Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật hát Xẩm

Diệu Anh |

Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình vừa tổ chức Hội thảo khoa học "Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật hát Xẩm ở Ninh Bình".

Dự hội thảo có đại diện Viện Văn hóa, Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Viện Âm nhạc; lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình; đại diện các chuyên gia, nhà khoa học, các nghệ nhân, đại diện các Câu lạc bộ nghệ thuật hát Xẩm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và một số tỉnh, thành phố khác trên cả nước.

Tại hội thảo, các đại biểu đều khẳng định: Hát Xẩm là một hình thức diễn xướng dân gian, bằng nghệ thuật hát nói và âm nhạc. Những bài hát Xẩm mang đậm triết lý nhân sinh, tính giáo dục, nhân văn sâu sắc. Nghe và học hát Xẩm sẽ cảm nhận được ý nghĩa của câu từ, làn điệu, thấu hiểu những mảnh đời, số phận, cũng như những kinh nghiệm sống quý báu của cha ông.

Bà Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình cho biết, nghệ thuật hát Xẩm ở Ninh Bình vẫn đang được các thế hệ truyền nhân của cố nghệ sĩ ưu tú Hà Thị Cầu duy trì và truyền dạy cho các lớp trẻ. Các thế hệ đã và đang bảo lưu những lề lối, lời hát, nhạc cụ của Xẩm cổ theo các cách truyền dạy khác nhau như: truyền dạy trực tiếp, soạn giáo trình học theo, đi biểu diễn trong các hội thi, hội diễn... 

"Với những giá trị đặc biệt đó, nghệ thuật hát Xẩm ở Ninh Bình đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2021 và hướng tới xây dựng hồ sơ trình UNESCO ghi vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại" - bà Lịch cho hay.

Tính đến nay, toàn tỉnh Ninh Bình có 800 Câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống sinh hoạt đều đặn, có chất lượng cao ở cả ba loại hình hát Chèo, hát Xẩm và hát Chầu văn. Trong đó, có 9 Câu lạc bộ chuyên về hát Xẩm và có thực hành hát Xẩm tập trung chủ yếu ở huyện Yên Mô và hiện đang mở rộng, xây dựng thêm một số Câu lạc bộ chuyên về hát Xẩm ở huyện Yên Khánh, Kim Sơn, Gia Viễn, thành phố Tam Điệp... 

Tuy nhiên, cũng như nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác, nghệ thuật hát Xẩm ở Ninh Bình đang đứng trước nguy cơ mai một cao. 

Trong cộng đồng dân cư, hát Xẩm đã từng bị lãng quên, thất truyền; môi trường cho người khiếm thị hát Xẩm (những người thực hành di sản) đã thay đổi và mưu sinh hiện nay của họ cũng không còn bằng hát Xẩm nữa. 

Bên cạnh đó, là sự thiếu hụt của đội ngũ nghệ nhân và những người kế cận, sự thay đổi thị hiếu của công chúng, vị thế của Xẩm so với các hình thức diễn xướng dân gian khác và đặc điểm truyền nghề gắn với mưu sinh của Xẩm đã không còn.

Mục đích của hội thảo nhằm đánh giá thực trạng công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật hát Xẩm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình thời gian qua, trên cơ sở tham vấn ý kiến, kinh nghiệm của các nhà khoa học, nhà quản lý và nghệ nhân đang thực hành di sản, đề xuất các giải pháp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản trong thời gian tới. 

Hội thảo cũng là dịp để các nhà khoa học, nhà quản lý và nghệ nhân thảo luận những vấn đề thực tiễn về hát Xẩm, chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật này trong đời sống hiện nay. 

Diệu Anh