Phong tục uống “nước tiên” vào đêm giao thừa
Sau thời khắc giao thừa, nhiều người thường ngủ lấy sức để sáng hôm sau đi chúc tết, thì trẻ em người Thái ở xã Chi Khê (huyện Con Cuông) thường có thói quen ra suối múc nước về nhà. Có người còn vốc nước uống một vài ngụm để cầu sự bình an, mạnh khỏe trong năm mới.
Theo truyền thuyết, sông suối nơi dương gian đều đến từ thế giới của tiên. Vào những giờ phút đầu tiên của năm mới, một nàng tiên cai quản con suối sẽ thay nguồn nước mới. Nguồn nước này sẽ chảy suốt một năm sau đó. Ai uống được những dòng nước đầu tiên của năm mới sẽ được may mắn, mạnh khỏe.
Vì thế, bầy trẻ thường chờ tiếng kêu của con thú đầu tiên sẽ đi đến dòng suối và uống ngụm nước đầu tiên. Người ta tin rằng khi khi một con thú nào đó như chó mèo hoặc thú rừng cất tiếng kêu đầu tiên trong năm mới cũng là lúc nàng tiên mở cửa suối. Tiếng kêu của con thú như một thứ tín hiệu. Ai nghe được liền lập tức chạy thật nhanh ra suối để trở thành người đầu tiên múc được dòng nước tiên may mắn.
Chiếc cột thiêng trong ngày tết của người H'Mông
Vào chiều 30 Tết, người H'Mông, họ Vừ ở xã Tây Sơn (huyện Kỳ Sơn) chọn một cái sân rộng trong bản để dựng cổng cúng tế. Chiếc cổng làm bằng 2 chiếc cọc gỗ. Một cột ở hướng mặt trời mọc, cột còn lại ở hướng mặt trời lặn.
Hai chiếc cột này được nối với nhau bằng một sợi dây bện bằng cỏ tranh nom như một cánh cổng. Khi cổng đã dựng xong, thầy mo cầm một con gà trống mào và màu lông đều đỏ và cúng tế.
Nội dung bài cúng cầu xin thần linh phù hộ cho bản làng bình yên. Năm mới xúi quẩy đã qua, năm mới may mắn đã tới, cầu mong thần linh mang đi những điều xúi quẩy trong cộng đồng.
Lúc này tất cả mọi già trẻ, gái trai trong bản quy tụ lại cạnh chiếc cổng. Mỗi người mang theo một sợi vải màu đỏ buộc lên sợi dây bện bằng cỏ tranh trên chiếc cổng. Sau đó mọi người xếp thành hàng đi quanh cây cột phía mặt trời mọc 9 vòng.
Sau 4 vòng đầu tiên lại quay người đi thêm 5 vòng theo chiều ngược lại. Sau cùng tất cả mọi người trong bản tập trung thành từng hàng cạnh chiếc cột bên phía mặt trời mọc để thầy mo làm nghi lễ câu an. Con gà được cắt lấy tiết. Mỗi người sẽ được chấm tiết gà lên trán. Sau những nghi lễ này, một nhóm thanh niên được giao nhổ chiếc cổng đem vứt bỏ.
Ông Vừ Chông Dì, người dân địa phương cho biết, cho biết: “Nghe các cụ nói lại thì chiếc cổng này tượng trưng cho chiếc ô che, một vật thiêng liêng của người H'Mông. Cuối năm mọi người tập trung lại bên hai chiếc ô để giải trừ xúi quẩy, cầu may mắn. Ông Dì cho biết thêm: Ngày xưa, nghi lễ cầu may bên chiếc cổng thường được tổ chức vào cuối mùa lúa rẫy. Nghi lễ cốt để mừng một mùa lúa đã kết thúc. Người xưa quan niệm xong một mùa lúa coi như hết một năm.
Tục xông đất ngày đầu năm
Lễ đón tết của người Khơ mú thường bắt đầu bằng những lễ cúng kéo dài. Lễ đón Tết thường được tổ chức tại nhà người cha và các con, dù đã ra ở riêng cũng phải đến góp mặt. Đó là những gì chúng tôi đã được chứng kiến trong một chuyến đi đến xã Keng Đu (huyện Kỳ Sơn) những năm trước đây.
Từ chiều 30 Tết, lễ cúng đón tết của người Khơ mú ở bản Huổi Phuôn đã bắt đầu. Nghi lễ được thực hiện ngay cạnh bếp lửa có đặt một ché rượu cần. Sau một bài cúng dài, một con gà được cắt lấy tiết và bôi máu lên đầu gối từng thành viên trong gia đình.
Thầy mo giải thích đó là có gà để xua đi cái không tốt đẹp từ năm cũ. Lại thêm một bài cúng được thực hiện và sau đó, một con gà nữa lại được cắt mỏ lấy tiết bôi lên đầu gối các thành viên trong gia tộc. Đây là con gà “gọi” những điều tốt đẹp về với từng người trong nhà. Sau những nghi lễ này, người ta chủ yếu ngồi dự tiệc và uống rượu cần cho đến tận khuya.
Theo quan niệm của cộng đồng người Khơ mú nơi đây, người ta kiêng kỵ việc ở lại qua thời khắc giao thừa tại nhà người khác. Con gái khi đã về nhà chồng cũng coi như đã là người ngoài, họ không được khuyến khích ở lại nhà cha mẹ đẻ. Chỉ có con dâu và con trai thì vẫn xem như đang “trong nhà” nên có thể ở lại qua đêm.
Vào ngày đầu tiên của năm mới, người Khơ mú thường chọn một người, không cần phải hợp tuổi, chỉ cần gia chủ cảm thấy “ưng bụng” mời về xông nhà. Theo những người cao tuổi ở xã Keng Đu thì tập tục gọi là “lên nhà đầu năm” này tồn tại từ nhiều thế hệ trước ở Keng Đu. Người lên nhà đầu tiên trong năm sẽ nói lời chúc sức khỏe đến người và vật nuôi của gia chủ cũng như làm ăn hanh thông trong năm mới.