Thấm đẫm lời ru của mẹ
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, ông Vũ Mạnh Đương được thừa hưởng đam mê dân ca từ người cha của mình. Vốn là một nghệ sĩ Chèo, cha ông Vũ Mạnh Đương đã nuôi nấng các con trưởng thành bằng những làn điệu Chèo quê hương Hưng Yên.
Sau này, khi lớn lên, ông Đương đã mang trong mình dòng máu đam mê nghệ thuật của cha. Dù yêu thích tất cả các thể loại âm nhạc dân ca, song, sở trường của ông Đương là đàn bầu.
Ông Đương kể rằng, ngay từ khi còn nhỏ, ông đã được nghe những lời ru của mẹ qua những ca khúc dân ca mà đi gần hết cuộc đời ông cũng không quên được như ca khúc: "Tát nước đêm trăng", "Lời ru của mẹ"... Những ca từ gần gũi và xúc động đó đã thấm thía vào trái tim ông khiến ông càng yêu thích âm nhạc dân ca hơn.
Khi tham gia quân đội, ông đã tham gia biểu diễn và sáng tác tại nhiều chương trình nghệ thuật phục vụ các chiến sĩ bộ đội. Ông Đương cho biết, năm 1984, khi biểu diễn âm nhạc phục vụ các chiến sĩ ở Quân khu 5, sau khi biểu diễn đàn bầu ca khúc "Hãy yên lòng mẹ ơi", tất cả hội trường đã đứng lên vỗ tay không ngớt, nhiều người rưng rưng nước mắt vì xúc động.
"Tôi còn nhớ lúc đó, các chiến sĩ đang canh gác ở các chốt xung quanh cũng đứng lặng người vì xúc động. Dù phải đứng ở xa để xem biểu diễn nhưng khi tiếng đàn vang lên đã chạm đến trái tim của những người lính trẻ" - ông Đương kể.
Thời gian qua đi với những thăng trầm, biến cố của cuộc sống, thế nhưng niềm đam mê với dân ca chưa lúc nào vơi bớt trong ông. Sau khi xuất ngũ, ông trở về TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng để thành lập ban nhạc "Dân tộc Xuân Hương".
Hoạt động được một thời gian dài, vợ ông Đương bất ngờ bị tai nạn, ông phải tạm dừng hoạt động âm nhạc lại để chăm sóc vợ. Sau 5 năm, sức khỏe của vợ ông Đương bình phục trở lại, lúc này, ông rơi vào tình trạng kiệt quệ về kinh tế. Thế nhưng, ông vẫn ấp ủ mơ ước lan tỏa tình yêu dân ca đến người dân tỉnh Lâm Đồng.
Hành trình lan tỏa tình yêu dân ca
Nghĩ là làm, ông bắt đầu hành trình lan tỏa tình yêu dân ca của mình đến mọi người. Khi còn sức khỏe, ông Đương chạy xe máy đến các vùng quê xa xôi của tỉnh Lâm Đồng để kết nối, gặp gỡ những câu lạc bộ dân ca.
Tại Nhà văn hóa Lao Động tỉnh Lâm Đồng, ông Đương đảm nhiệm chức Chủ nhiệm câu lạc bộ Dân ca và nhạc cổ truyền. Câu lạc bộ sinh hoạt thường xuyên với nhiều hoạt động hấp dẫn. Nhờ uy tín và sức ảnh hưởng của ông Đương, 32 câu lạc bộ tại các huyện tự nguyện xin gia nhập câu lạc bộ Dân ca và nhạc cổ truyền tại Nhà văn hóa Lao Động tỉnh Lâm Đồng.
Dù đã hơn 70 tuổi nhưng ông Đương sử dụng thành thạo công nghệ đăng tải thông tin, hoạt động nghệ thuật biểu diễn lên mạng xã hội để mọi người cùng biết. Ông Đương vẫn thường xuyên tự lái xe xuống các huyện để dạy đàn bầu miễn phí với mong muốn gìn giữ dân ca trên địa bàn tỉnh.
Ông Đỗ Văn Suýt - Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ Dân ca và Chèo huyện Lâm Hà cho biết: "Tất cả các thành viên câu lạc bộ đều kính nể và tôn trọng ông Đương vì niềm đam mê với dân ca. Nhờ ông Đương, chúng tôi có thêm tình yêu với âm nhạc. Không chỉ bỏ công sức mà ông Đương còn bỏ tiền túi để tổ chức các hoạt động âm nhạc, điều đó khiến chúng tôi rất trân trọng".
Nhằm góp phần bảo tồn các làn điệu dân ca, giúp người dân tỉnh Lâm Đồng có cơ hội thưởng thức âm nhạc truyền thống, ông Vũ Mạnh Đương không chỉ dùng tiếng hát cùng tài biểu diễn của mình để đưa những làn điệu dân ca đi nhiều nơi mà ông còn ấp ủ những dự định nhằm bảo tồn, trao truyền vốn cổ tới các thế hệ kế tiếp.
Ông Trần Đức Hải - Giám đốc Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Lâm Đồng cho biết: "Dù đã có tuổi nhưng không thể phủ nhận được tình yêu dân ca của ông Đương. Có thể nói, ông là người gìn giữ, bảo tồn dân ca và nhạc cổ truyền trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Những đóng góp của ông Đương góp phần khơi dậy, vun đắp tình cảm, lòng tự hào của người dân Lâm Đồng đối với văn hóa truyền thống, góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc".