Người dân tộc thiểu số là nhân tố quan trọng bảo tồn văn hóa truyền thống

BẢO TRUNG |

Với người dân tộc Ê Đê đang sinh sống tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk, bộ cồng chiêng hay nghề dệt thổ cẩm truyền thống... được xem tài sản quý giá, được xem là “linh hồn của dân tộc”, gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt hằng ngày. Cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, bà con đang ngày càng ít tổ chức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đánh cồng chiêng, uống rượu cần, hát múa... và nghề dệt thổ cẩm cũng ít có truyền nhân.

Giữ gìn những giá trị truyền thống

Chị H'Phê Bê BKrông (Buôn Tơng Jú, Xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) tâm sự: "Tôi đã theo đuổi nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào mình từ lâu, bắt đầu từ 14 đến 15 tuổi. Được mẹ dạy từ cái đơn giản đến phức tạp, tôi mới dần thấy thích, có cảm hứng và ngày càng nâng cao được tay nghề. Tôi tự nhủ với lòng sẽ tiếp tục gìn giữ nét đẹp văn hoá của dân tộc mình".

Trăn trở với việc vừa phát huy nghề truyền thống, vừa để chị em phụ nữ có thêm thu nhập, thoát cảnh đói nghèo, bà H'Yam Bkrông (TP Buôn Ma Thuột) đã vận động, đề xuất xây dựng Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông tại địa phương. Thành lập đã gần 20 năm, ban đầu hợp tác xã chỉ gồm 10 người thì nay có 45 thành viên và tất cả đều là người Ê Đê. Tại đây, các chị em được hướng dẫn dệt thủ công và dệt máy, tay nghề ngày càng được nâng cao.

Để làm ra một sản phẩm dệt thổ cẩm hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn. Ảnh: Bảo Trung
Để làm ra một sản phẩm dệt thổ cẩm hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn. Ảnh: Bảo Trung

Bà H'Yam Bkrông - Chủ nhiệm Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông, buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột - cho biết: "Năm nào tôi cũng xin các cấp hội từ cấp tỉnh đến thành phố để mở lớp dạy nghề truyền thống của người Ê Đê và trực tiếp tham gia giảng dạy.

Khi truyền dạy, nếu cứ theo truyền thống thì rất ít người học nên tôi vừa dệt hoa văn truyền thống vừa dạy học viên tạo ra sản phẩm phù hợp với giới trẻ. Theo đó, nét đẹp thổ cẩm vừa được giữ gìn, vừa góp phần tạo ra việc làm bền vững cho nhiều chị em phụ nữ Ê Đê. Mặt hàng vải thổ cẩm truyền thống còn được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh phát triển thành sản phẩm OCOP thế mạnh của địa phương".

Âm vang tiếng cồng chiêng bao đời nay đã gắn bó với lớp lớp thế hệ người Ê Đê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Bảo Trung
Âm vang tiếng cồng chiêng bao đời nay đã gắn bó với lớp lớp thế hệ người Ê Đê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Bảo Trung

Còn theo ông Y Nuynh Byă (phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột): "Việc gìn giữ và truyền lại nhịp cồng chiêng cho con cháu gặp rất nhiều khó khăn. Tôi lớn lên cùng với âm vang tiếng cồng chiêng hào hùng và biết sử dụng từ những năm 14 tuổi. Tôi đã và đang truyền dạy những bài chiêng cho hàng trăm học viên, tiếp thêm cho các em tình yêu, đam mê với nhạc cụ đặc trưng của dân tộc mình.

Vừa dạy tôi vừa dặn dò khi nào con cháu về địa phương phải tiếp tục dạy lại cho các bạn thanh thiếu niên sau này tiếp tục học hỏi để lưu trữ bản sắc dân tộc".

Vai trò quan trọng của người dân tộc thiểu số

PGS. TS Tuyết Nhung Buôn Krông - Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Tây Nguyên (Trường Đại học Tây Nguyên) - cho rằng, nghệ nhân là một trong những chủ thể đầu tiên tiếp nhận di sản từ thế hệ ông cha ta để lại. Việc truyền đạt di sản từ thế hệ này qua thế hệ khác là quá trình trao truyền cần thiết, không chỉ gắn kết quá trình phục vụ cộng đồng của Trường Đại học Tây Nguyên, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch mà còn gắn kết vai trò của sinh viên trong tiếp nhận di sản đối với cộng đồng dân tộc thiểu số. Thông qua vai trò nghệ nhân, các em cũng thấy được tình yêu đối với các di sản của ông cha ta.

Bên cạnh việc hỗ trợ hàng trăm triệu đồng để mở các lớp truyền dạy cồng chiêng tại các buôn đồng bào dân tộc thiểu số, chính quyền TP Buôn Ma Thuột luôn khuyến khích người Ê Đê gắn việc bảo tồn không gian văn hoá cồng chiêng với phát triển du lịch, xây dựng các tour du lịch cộng đồng.

Người dân tộc Ê Đê giới thiệu, hướng dẫn khách du lịch thưởng thức rượu cần. Ảnh: Bảo Trung
Người dân tộc Ê Đê giới thiệu, hướng dẫn khách du lịch thưởng thức rượu cần. Ảnh: Bảo Trung

Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk nhận định: Vai trò chủ thể của người Ê Đê rất quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tại địa phương. Nếu như người dân tộc thiểu số ý thức từ truyền thống của gia đình, buôn làng và đều tham gia các hoạt động giữ gìn bảo tồn văn hoá thì đây sẽ là yếu tố quyết định đến thắng lợi của công tác này.

Hiện, TP Buôn Ma Thuột đã tập trung khai thác hiệu quả lợi thế cảnh quan thiên nhiên, sinh thái, giá trị văn hóa, tạo hình ảnh đô thị có bản sắc riêng. Để làm được điều này cần huy động sức mạnh, khơi dậy tinh thần yêu nước, tính cộng đồng, ý chí tự hào, tự cường dân tộc và khát vọng vươn lên của người dân nhằm đẩy mạnh thực hiện công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, những di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn.

BẢO TRUNG