Miền Tây xứ Nghệ rộn ràng sắc xuân

QUANG HẢI |

Về miền Tây xứ Nghệ An du xuân là lời mời gọi hấp dẫn mỗi dịp khắp đại ngàn chúm chím nụ mận, đào đón Tết. Với tiềm năng to lớn về tài nguyên thiên nhiên, con người, bản sắc văn hóa độc đáo, miền Tây xứ Nghệ có dư địa phát triển to lớn, đang chờ đợi sự bứt phá trong tương lai gần.

Bừng dậy sắc xuân nơi núi rừng

Cứ mỗi dịp xuân về, đồng bào người Mông tại các xã Mường Lống, Huồi Tụ, Na Ngoi... thuộc huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An) lại tưng bừng tổ chức thi trâu bò đẹp và thi chọi trâu, bò.

Đây là phong tục đã có từ xa xưa, trở thành hoạt động không thể thiếu của bà con trong dịp Tết hàng năm. Ngày hội diễn ra với sự tham gia náo nức của đông đảo bà con, chứng kiến những con trâu, bò to lớn, vậm vạp, hùng dũng, biểu tượng cho sức khỏe, sự dũng mãnh và sung túc.

Tiếng chân trâu, bò chạy thình thịch, tiếng sừng của các "chiến binh" va vào nhau chan chát hòa trong tiếng hò reo dậy đất của khán giả đã tạo nên niềm vui, niềm phấn khích lớn lao cho cả cộng đồng. Đối với người dân, trâu bò giành thắng lợi trong hội thi là biểu trưng cho sức mạnh, tiếng tăm và sự giàu có của gia chủ.

Nét độc đáo và thấm đẫm tính nhân văn tại lễ hội chọi trâu, bò của người Mông huyện Kỳ Sơn là những chú trâu bò chọi sau khi kết thúc cuộc thi sẽ được chủ nhân giữ lại để chăm sóc, dùng làm sức kéo cày bừa, huấn luyện để mùa lễ hội năm sau trổ tài chứ không xẻ thịt bán giá cao như ở các cuộc thi khác. Cuộc thi là dịp để các chủ bò thể hiện khả năng của mình trong quá trình chăn nuôi và huấn luyện bò chọi. Sau khi thắng, “chiến binh” trâu bò này sẽ được nhiều người tìm mua với giá cao gấp nhiều lần so với bình thường.

Cũng tại huyện Kỳ Sơn, vào dịp Tết hàng năm diễn ra lễ hội đền Pu Nhạ Thầu tại xã Hữu Kiệm. Lễ hội đền Pu Nhạ Thầu là dịp để người dân thể hiện các nét văn hóa đặc sắc của đồng bào miền Tây xứ Nghệ như: Khắc luống, tơm, múa khèn, lăm vông, múa sạp cùng hòa nhịp với tiếng cồng chiêng rộn rã; các trò chơi dân gian như bắn nỏ, ném còn, tò mặc lẹ…

Lễ hội cũng là dịp để bà con nhân dân giới thiệu quảng bá các sản vật như dệt thổ cẩm, mây tre đan, ẩm thực địa phương… "Kỳ Sơn là miền biên viễn xa xôi nhưng đầy hấp dẫn với cảnh sắc núi rừng hoang sơ mà rực rỡ, với những đặc sản nổi tiếng và những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc nơi đây. Đến với Kỳ Sơn vào dịp xuân về, các bạn sẽ có một chuyến đi thú vị và ý nghĩa, không uổng phí” - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Viết Hùng trân trọng mời gọi.

Rực rỡ sắc hoa mận nơi cổng trời Mường Lống (Kỳ Sơn, Nghệ An). Ảnh: Nhật Thanh
Rực rỡ sắc hoa mận nơi cổng trời Mường Lống (Kỳ Sơn, Nghệ An). Ảnh: Nhật Thanh

Mỗi dịp xuân về, các huyện miền núi phía Tây Nghệ An đều có những lễ hội đặc sắc, thu hút đông đảo người dân bản địa và du khách mọi miền tham dự. Huyện Quỳ Hợp có lễ hội Pẩn pang - Nang ny và lễ hội đền Choọng, huyện Quỳ Châu có lễ hội Hang Bua, Quế Phong có lễ hội Đền Chín Gian, huyện Tương Dương có lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào... Lễ hội là dịp để người dân tham gia sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa, bảo tồn và phát huy các truyền thống thống văn hóa tốt đẹp được gìn giữ, lưu truyền từ bao năm qua.

Khát vọng phát triển

Miền Tây Nghệ An gồm 11 huyện, 14.000km2 với hệ thống kết nối giao thông liên vùng; có 5 cửa khẩu được xác định là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, và đối ngoại của tỉnh, khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước. Dân số toàn vùng 1,237 triệu người; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số có 41 vạn người (38,4%), gồm nhiều dân tộc chung sống (như Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Đan Lai, Ơ Đu, Kinh...).

Đây là vùng có khu dự trữ sinh quyển lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á, có giá trị về khoa học, môi trường, văn hóa, nhân văn và lịch sử, được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đây là khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của tỉnh, khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước.

Thời gian qua, nông nghiệp miền Tây Nghệ An phát triển khá toàn diện. Xây dựng nông thôn mới cũng có nhiều khởi sắc, khu vực đã có 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 94 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, 197 thôn bản đạt nông thôn mới. 11 huyện miền Tây có 150 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3,6%/năm.

Miền Tây Nghệ An có tiềm năng hết sức to lớn về nhiều mặt, nhưng mức độ phát triển còn thấp, chậm và có khoảng cách lớn với các địa phương thành thị, miền xuôi. “Kích hoạt” kinh tế miền Tây, rút ngắn khoảng cách vùng miền luôn là khát vọng thường trực của Nghệ An.

Tọa đàm “Định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An”, tháng 11.2023. Ảnh: Quang Hải
Tọa đàm “Định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An”, tháng 11.2023. Ảnh: Quang Hải

Theo Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý, địa phương đang tập trung nguồn lực đầu tư để hình thành và phát triển 3 hành lang kinh tế gắn với địa bàn miền Tây Nghệ An là hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh; hành lang kinh tế Quốc lộ 7; hành lang kinh tế Quốc lộ 48A…

Đồng thời tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng và du lịch sinh thái; phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến; phát triển các loại hình du lịch sinh thái, mạo hiểm, cộng đồng; phát triển lâm nghiệp, kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng, dược liệu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cũng khẳng định sẽ đề ra những giải pháp, chính sách cụ thể, đặc thù, đột phá cho sự phát triển chung, nhất là trong điều kiện Nghệ An đang có sự quan tâm rất lớn của Trung ương với việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đây là hai cơ sở rất quan trọng để phát triển tỉnh Nghệ An, trong đó khu vực miền Tây phát triển nhanh, bền vững, phát huy tối đa lợi thế về kinh tế rừng, dưới tán rừng, cửa khẩu; các giá trị lịch sử, văn hóa; ứng phó hiệu quả với phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu.

Hi vọng từ mùa xuân này, với quyết tâm lớn và hành động quyết liệt từ cấp trung ương và cấp tỉnh cũng như sự nỗ lực của các địa phương, sự phát triển của miền Tây xứ Nghệ sẽ trở thành hiện thực chứ không phải ở khát vọng như bao năm qua.

QUANG HẢI