Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao: Sân khấu không giới hạn

HUYỀN CHI (THỰC HIỆN) |

Chương trình nghệ thuật “Đàn chim Việt” kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhạc sĩ Văn Cao (1923 - 2023) sẽ diễn ra vào 20h tối 20.8, tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình sẽ tập hợp của những tác phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Văn Cao ở 3 thể loại: Tình ca, hành khúc và trường ca...

Phóng viên Lao Động có cuộc trò chuyện với ông Phạm Hoàng Nam - Tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật “Đàn chim Việt” để tìm hiểu về hành trình tôn vinh người nghệ sĩ tài hoa của dân tộc.

Thưa đạo diễn, thông điệp ông muốn truyền tải nhất về sự nghiệp âm nhạc đồ sộ của Văn Cao là gì?

- Trước hết, ý tưởng thực hiện chương trình xuất phát từ chị Quỳnh Anh là giám đốc dự án và Hội Nhạc sĩ. Đây là một chương trình được đặt hàng từ những cá nhân yêu mến nhạc sĩ Văn Cao chứ không phải ý tưởng xuất phát từ tôi.

Sau đó, tôi bắt đầu hình thành chủ đề, xác định địa điểm là Nhà hát Lớn và lựa chọn nội dung, thể loại âm nhạc. Nhiệm vụ của tôi là xây dựng kịch bản dựa trên những yếu tố đã có sẵn như thế.

Ý tưởng chủ đạo của chương trình xuất phát từ một bài hát rất nổi tiếng và có số phận đặc biệt, đó là bài “Đàn chim Việt”. Ban đầu, ca khúc này có tên “Bến xuân” nhưng sau khi giải phóng Thủ đô, ông Văn Cao viết lại và đặt tên “Đàn chim Việt”. Ê-kip quyết định lấy bài hát này làm chủ đề để thể hiện sự đoàn kết, hòa hợp dân tộc.

Âm nhạc của Văn Cao đã vang lên khắp nơi, từ Bắc đến Nam, từ trong đến ngoài nước, không phân biệt vùng miền, tuổi tác. Ai cũng thể hát những ca khúc của Văn Cao. Tinh thần đoàn kết dưới một mái nhà, dưới một lá cờ, chung một tổ quốc, gắn kết tạo nên sức mạnh là những gì chúng tôi muốn truyền tải.

Âm nhạc của nhạc sĩ Văn Cao đa dạng, đồ sộ, đó có phải áp lực cho những người làm chương trình khi lên kịch bản?

- Áp lực của ban tổ chức là phải đưa chương trình đến với càng nhiều khán giả càng tốt. Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp để người dân cả nước theo dõi. Vì vậy, thời lượng cho chương trình sẽ bị hạn chế, chỉ gói gọn trong 100 phút. Trong khi đó, số lượng tác phẩm là rất nhiều. Ê-kip đã rất khó khăn để chọn lọc, chắt chiu để truyền tải được hết giá trị của các bài hát.

Ngoài ra, chương trình không chỉ dừng lại ở việc tôn vinh âm nhạc của Văn Cao mà còn bao quát cả một Văn Cao thi sĩ, một Văn Cao họa sĩ. Muốn hòa hợp 3 chân dung của Văn Cao trong một khoảng thời gian hữu hạn như vậy cũng là một thách thức đối với chúng tôi. Tôi và các đồng nghiệp mất khá nhiều thời gian để biên tập, chọn lọc, cho ra kịch bản phù hợp.

Trong quá trình thực hiện chương trình, ê-kip được gia đình nhạc sĩ hỗ trợ như thế nào?

- Gia đình nhạc sĩ Văn Cao đã hỗ trợ chương trình rất nhiều, từ các vấn đề bản quyền đến các công tác khác. Trước khi bắt đầu thực hiện chương trình này, ê-kip cũng đã mời gia đình nhạc sĩ đến họp để hỏi ý kiến. Gia đình không chỉ đồng ý mà còn nhiệt tình giúp đỡ, ủng hộ.

Các con cháu trong gia đình bác Văn Cao từ con cả là nghệ sĩ Văn Thao đến các thế hệ con cháu đều hưởng ứng, đến dự họp báo. Trong chương trình sắp tới, cả con gái của bác Văn Cao cũng sẽ bay từ Ba Lan về để tham dự. Đó là sự sum vầy, như bài hát “Đàn chim Việt” trong chính gia đình nhạc sĩ Văn Cao.

Âm nhạc của nhạc sĩ Văn Cao ảnh hưởng có vai trò như thế nào đối với nền âm nhạc nước nhà, theo đạo diễn? Ca khúc nào của Văn Cao mang lại cho đạo diễn nhiều cảm hứng nhất?

Nói về âm nhạc của Văn Cao, báo chí, sách vở đã ngợi ca quá nhiều. Với tư cách là một người làm chương trình, tôi cho rằng Văn Cao là một nghệ sĩ đặc biệt. Không chỉ vì ông là người viết ca khúc “Tiến quân ca” mà ông còn có khả năng sáng tác đa dạng, sâu sắc, mạnh mẽ nhưng cũng rất lãng mạn. Âm nhạc của ông vừa cổ điển vừa hiện đại. Càng nghiên cứu và tìm hiểu, tôi càng nể phục tài năng của nhạc sĩ Văn Cao.

Tôi nghĩ tôi không thể chọn ca khúc nào của Văn Cao là ca khúc tôi thích nhất. Chính xác hơn, với mỗi một trạng thái cảm xúc, nhạc của Văn Cao đều có thể làm tôi thăng hoa, hoặc xoa dịu tâm trạng của tôi. Và tất nhiên, ca khúc khiến bất kỳ người dân nào cũng phải thổn thức, xúc động chính là bài “Tiến quân ca”.

HUYỀN CHI (THỰC HIỆN)
TIN LIÊN QUAN

Nghề dệt khăn choàng ở Đồng Tháp là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia

Thanh Hà |

Ngày 2.8, UBND huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) tổ chức Lễ đón nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia nghề thủ công truyền thống - nghề dệt choàng (hay còn gọi là dệt khăn rằn) xã Long Khánh A, theo TTXVN.

Bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

Thanh Hà |

Với dự án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, năm 2022 và 2023, Trung ương phân bổ cho tỉnh Bình Định trên 22,5 tỉ đồng và ngân sách tỉnh đối ứng gần 1,7 tỉ đồng.

Hội họa Việt Nam tạo ấn tượng trên đất Pháp

Song Minh (Theo TTXVN) |

Triển lãm tranh "Hội họa Việt trên chất liệu truyền thống" vừa được khai trương tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở thủ đô Paris, Pháp.

Nghề dệt khăn choàng ở Đồng Tháp là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia

Thanh Hà |

Ngày 2.8, UBND huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) tổ chức Lễ đón nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia nghề thủ công truyền thống - nghề dệt choàng (hay còn gọi là dệt khăn rằn) xã Long Khánh A, theo TTXVN.

Bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

Thanh Hà |

Với dự án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, năm 2022 và 2023, Trung ương phân bổ cho tỉnh Bình Định trên 22,5 tỉ đồng và ngân sách tỉnh đối ứng gần 1,7 tỉ đồng.

Hội họa Việt Nam tạo ấn tượng trên đất Pháp

Song Minh (Theo TTXVN) |

Triển lãm tranh "Hội họa Việt trên chất liệu truyền thống" vừa được khai trương tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở thủ đô Paris, Pháp.