Ghé thăm đền thờ Trâu Vàng trong phủ Tây Hồ

Anh Thư |

Nằm trong quần thể di tích phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ, Hà Nội), đền Kim Ngưu được tạo dựng từ lâu đời, nơi thờ Trâu Vàng (thần Kim Ngưu).

Tín ngưỡng thờ Trâu Vàng là một trong những đặc trưng văn hóa của người Việt. Bởi theo quan niệm dân gian, trâu không chỉ là con vật hiền lành, chung thủy gắn bó với cuộc sống lao động nông nghiệp của người nông dân Việt Nam mà còn là loài vật thiêng có khả năng kết nối với thần linh, trấn áp yêu ma và bảo vệ cuộc sống của người dân.

Đền Kim Ngưu tọa lạc trên một gò đất cao kề sát bờ đông của hồ Tây, nằm trong quần thể di tích phủ Tây Hồ (phường Quảng An, quận Tây Hồ). Đền được tạo dựng từ rất sớm, là nơi thờ thần Kim Ngưu (Trâu Vàng).

Đền Kim Ngưu trong quần thể Khu di tích lịch sử phủ Tây Hồ (Hà Nội). Ảnh Anh Thư
Đền Kim Ngưu trong quần thể Khu di tích lịch sử phủ Tây Hồ (Hà Nội). Ảnh Anh Thư

Ông Nguyễn Văn Thư – Phó Ban Quản lý phủ Tây Hồ, thuộc Tiểu ban Quản lý di tích cụm dân cư Tây Hồ cho hay, có nhiều truyền thuyết lý giải cho sự hình thành đền Kim Ngưu gắn với Hồ Tây. Khoảng năm 1030, triều Lý có vị thiền sư họ Dương, pháp danh Không Lộ, giỏi nghề y, nghề đúc đồng, đúc tượng.

Tiếng tăm của vị thiền sư rất lừng lẫy không chỉ ở trong nước. Thời đó, con vua Tống mắc bệnh hiểm nghèo mà biết bao thầy thuốc đã chữa trị nhưng không khỏi. Được tin ở nước Nam có vị thiền sư và còn là thầy thuốc giỏi, vua Tống đã triệu mời vị thiền sư này.

Theo ông Thư, nhận lệnh của vua Lý sang nhà Tống chữa bệnh. Sau khi người nhà của vua khỏi bệnh, vua Tống cảm ơn và truyền dụ cho ông vào kho muốn lấy gì thì lấy, vàng bạc châu báu lấy bao nhiêu cũng được.

Trước khi đi, vị thiền sư đem một cái nón, cây thiết trượng và 1 đẫn vàng. Thiền sư Không Lộ chỉ xin một ít đồng đen cho vào đẫn vàng, thả nón làm thuyền, xuôi biển về nước ta.

"Về nước, một phần ông để đúc tượng, để đúc chuông. Khi thỉnh, tiếng chuông ngân vang sang tận nước Tống. Trâu vàng của vua Tống ngỡ tiếng mẹ gọi liền chạy thẳng sang nước Nam. Đến khu vực rừng lim ngoài kinh thành Thăng Long, không còn nghe tiếng chuông ngân, trâu vàng bị mất phương hướng đã quần thảo khiến khu rừng lim sụt thành hồ nước mênh mông. Thiền sư bèn thả quả chuông đồng đen xuống hồ Kim Ngưu (hồ Tây ngày nay). Tại đây, người dân đã lập đền thờ thần Kim Ngưu"-ông Thư nói.

Qua gần một nghìn năm tồn tại và phát triển, câu chuyện này vẫn được lưu truyền cùng với sự trường tồn của ngôi đền Kim Ngưu. Thần Trâu Vàng đã được các triều vua nước Nam phong sắc “Trấn quốc phù lộ diên tường Đế quân”.

Năm 1947, đền Kim Ngưu bị đạn đại bác của Pháp phá hủy. Năm 2000, đền được xây dựng lại với kiến trúc kiểu chữ Đinh, có tam quan, phủ chính, điện thờ Mẫu, sân trong và nhà khách. Trong đền hiện còn lưu giữ 32 đạo sắc phong cho thần Kim Ngưu từ thời Lê đến thời Nguyễn.

Phó Ban Quản lý phủ Tây Hồ cho hay, đền Kim Ngưu nằm trong quần thể phủ Tây Hồ nên du khách về đây đi lễ rất đông. Du khách đến thăm nơi đây do có địa linh nhân kiệt, phong cảnh đẹp, thành uy linh.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp, ông Thư cho rằng: "Phủ Tây Hồ là di tích cấp Quốc gia, thuộc quyền quản lý của Sở. Ngoài tính ngưỡng, chấp hành quy định pháp luật. Nếu phải giãn cách chúng tôi phải khống chế lượng người vào".

Anh Thư