Độc, lạ phiên chợ bán trâu, bò lớn nhất ở Hà Tĩnh

TRẦN TUẤN |

Chợ Nhe ở xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh được xem là chợ buôn bán trâu, bò lớn nhất Hà Tĩnh hiện nay và cũng là phiên chợ có nét độc đáo riêng khi nhiều người sử dụng mật ngữ, đập tay để chốt giá.

Dùng mật ngữ giao dịch

Cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, chợ Nhe càng nhộn nhịp hơn khi có hàng trăm con trâu, bò khắp miền được đưa về đây để giao dịch mua, bán.

Từ mờ sáng, phiên chợ đã tấp nập xe kéo tự chế, xe ôtô tải chở trâu bò về đây. Người cùng với vật nuôi đổ về càng đông hơn khi dần lộ sáng, mặt trời nhô lên.

Khi mặt trời vừa nhô lên, chợ Nhe đã đông đúc cảnh mua bán trâu, bò. Ảnh: Trần Tuấn.
Khi mặt trời vừa nhô lên, chợ Nhe đã đông đúc cảnh mua bán trâu, bò. Ảnh: Trần Tuấn.

Hôm nay, ông Hồ Phúc Mậu (trú ở xã Khánh Vĩnh Yên) mang theo 4 con bê đến chợ Nhe bán để kiếm lời.

“Khi chưa đến tuổi 20 tôi đã theo cha làm nghề buôn bán trâu, bò ở chợ Nhe. Hiện con trai tôi 18 tuổi cũng đã có 2 năm kinh nghiệm theo tôi làm nghề. Như vậy, nhà tôi có 3 thế hệ theo nghề buôn bán trâu, bò ở chợ Nhe này" - ông Mậu chia sẻ.

Theo quan sát, nhiều người khi giao dịch mua, bán trâu, bò ở phiên chợ này họ dùng mật ngữ, tiếng lóng và đập tay để chốt giá khiến nhiều người lạ không thể hiểu được.

Móc tiền giao dịch mua bán. Ảnh: Trần Tuấn.
Móc tiền giao dịch mua bán. Ảnh: Trần Tuấn.

Về điều này, ông Mậu giải thích, giá từ 1 - 10 triệu đồng, được các lái buôn thống nhất bằng các từ lần lượt như: Chách, lái, thâm, chớ, kèo, mục, tháp, bét, khươm, nạp. 500.000 đồng sẽ được gọi là "kẹo", 20 triệu là "bị chục".

Ví dụ lái buôn muốn bán 1 con bò với giá 18 triệu đồng thì họ sẽ ra giá là "nạp bét", người mua có thể trả giá xuống 17,5 triệu đồng thì nói lại là "nạp tháp kẹo". Nếu thương lái đồng ý với mức giá trên thì sẽ đập mạnh vào tay người mua xem như đồng ý bán.

Người mua, kẻ bán thống nhất đập tay chốt giá. Ảnh: Trần Tuấn.
Người mua, kẻ bán thống nhất đập tay chốt giá. Ảnh: Trần Tuấn.

Đến với chợ Nhe, nhiều người cho rằng dễ lựa chọn trâu bò nhất bởi có hàng trăm con trâu, bò to, nhỏ khác nhau được đưa về đây để chọn; mua về nuôi cũng thỏa sức chọn, mua về mổ bán thịt cũng vậy.

Xem tướng trâu, bò kiếm tiền triệu

Có cung thì có cầu, nhiều người mua trâu, bò vẫn quan niệm xem tướng trâu, bò để chọn được con vật hiền lành, ăn tạp, dễ nuôi, chóng lớn, tránh mua nhầm những con kén ăn, máu nóng hay húc người, phản chủ... Bởi vậy mà chợ Nhe có một số người làm nghề xem tướng trâu, bò cũng kiếm ra tiền.

Người mua khi cần mua con trâu, bò về nuôi sẽ lại nhờ "thầy xem tướng trâu, bò" tại chợ Nhe xem giúp, khi thầy phán đã chọn được con vật ưng ý, nên mua thì người mua sẽ trả công cho “thầy” từ 100.000 -150.000 đồng/lượt, nếu gặp khách "sộp" có khi được trả thù lao từ 200.000 -300.000 đồng/lượt.

Xem tướng con bê đực này để chọn mua. Ảnh: Trần Tuấn.
Xem tướng con bê đực này để chọn mua. Ảnh: Trần Tuấn.

Ông Phạm Hùng có kinh nghiệm hơn 20 năm xem tướng trâu, bò bật mí một vài kinh nghiệm khi chọn mua trâu, bò rằng: "Đầu tang, xoáy ốc, hàm sa. Trong 3 thứ ấy cửa nhà ra đi" đây là những tướng trâu, bò xấu không nên mua.

"Mồm gầu dai, tai lá mít, đít lồng bàn" hay là "chân cao, mình dài, đuôi bẹ dừa" là tướng tốt, nuôi chóng lớn, ít bệnh tật, khỏe mạnh dùng nhân giống tốt.

Không những xem tướng trâu, bò mà bằng kinh nghiệm nhiều năm và thường xuyên có mặt ở chợ Nhe nên ông Hùng còn giúp người mua xác định được giá trị của con trâu, bò một cách chính xác, đúng giá, tránh bị người bán nói thách rồi mua quá đắt, mua hớ.

“Mỗi phiên chợ, tôi có thể tư vấn cho 4 đến 5 người, tổng số tiền họ bồi dưỡng cho tôi khoảng 1 triệu đồng, có hôm thì được nhiều hơn” - ông Hùng chia sẻ.

Hàng trăm con trâu, bò được thương lái đưa về chợ Nhe để giao dịch mua, bán. Ảnh: Trần Tuấn.
Hàng trăm con trâu, bò được thương lái đưa về chợ Nhe để giao dịch mua, bán. Ảnh: Trần Tuấn.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Khánh Vĩnh Yên - thông tin, chợ Nhe đã tồn tại gần 100 năm nay. Tên chợ gắn liền với với lịch sử cầu Nhe.

Cầu Nhe được thực dân Pháp xây dựng bằng bê tông cốt thép, đích thân Vua Bảo Đại trực tiếp đến làm lễ khánh thành cách đây gần 100 năm.

Sau khi cầu Nhe được xây dựng, bên cầu có một khu đất rộng, bằng phẳng nên người dân tổ chức họp chợ lấy tên là chợ Nhe.

Thời kháng chiến chống Mỹ, cầu Nhe bị máy bay thả bom ác liệt nên chợ được chuyển đến địa điểm khác. Sau năm 1975, chợ Nhe dời về địa điểm cũ và hoạt động đến ngày nay.

Chợ Nhe hiện nay mỗi tháng tổ chức 12 phiên vào các ngày âm lịch, gồm: 2, 5, 7, 9, 12, 15, 17, 19, 22, 25, 27 và 29. Trong 12 phiên đó, có 6 phiên chính bán trâu, bò vào các ngày 2, 7,12,17, 22 và 27, còn lại bán lợn, gà, hàng hóa nông sản địa phương.

TRẦN TUẤN