Đặc sắc các làng nghề truyền thống tại Bình Thuận

DUY TUẤN |

Hiện nay tại Bình Thuận vẫn còn 3 làng nghề truyền thống có từ lâu đời vẫn đang hoạt động sản xuất gồm: làng nghề bánh tráng Phú Long, làng nghề bánh tráng Chợ Lầu và làng nghề gốm gọ Bình Đức.

Theo đó, nghề tráng bánh tráng thủ công bằng tay gắn với 2 làng nghề: làng nghề bánh tráng Phú Long tại thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc và làng nghề bánh tráng Chợ Lầu tại thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình.

Tráng bánh tráng thủ công ở Phú Long. Ảnh: Duy Tuấn
Tráng bánh tráng thủ công ở Phú Long. Ảnh: Duy Tuấn

Bánh tráng có hai loại là bánh tráng mỏng để cuốn và bánh tráng dày rất nhiều mè để nướng. Cũng được làm từ bột gạo như bánh tráng ở bao vùng khác nhưng bánh tráng Phú Long hay bánh tráng Chợ Lầu có hương vị đặc biệt không thể lẫn lộn.

Phơi bánh tráng trước nhà. Ảnh: Duy Tuấn
Phơi bánh tráng trước nhà. Ảnh: Duy Tuấn

Nghề tráng bánh trải qua nhiều công đoạn như phơi bánh, gỡ bánh, rồi tráng bánh và khó nhất là công đoạn pha chế bột. Bột được tráng lên lò một lớp đều tay, đúng kích cỡ sau đó đậy nắp lại chờ bánh chín và dùng kỹ thuật đưa bánh lên vĩ phơi. Các công đoạn đều phải lành nghề mới có thể làm được.

Hương vị thơm ngon của những chiếc bánh tráng nơi đây mang đầy ý nghĩa. Nó chứa đựng sự chịu thương chịu khó của người nông dân. Người dân Chợ Lầu, Phú Long còn giữ được nghề tráng bánh truyền thống đến ngày nay mặc dù hiện nay nhiều hộ gia đình đã chuyển sang sử dụng máy móc để tráng bánh. Tuy nhiên, bánh tráng thủ công không những tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương mà còn gìn giữ cái nghề truyền thống của ông cha để lại.

Tạo hình cho sản phẩm gốm tại làng Bình Đức. Ảnh: Duy Tuấn
Tạo hình cho sản phẩm gốm tại làng Bình Đức. Ảnh: Duy Tuấn

Trải qua thời gian với nhiều thăng trầm, đến nay, Bình Đức là nơi duy nhất tại Bình Thuận còn duy trì nghề gốm gọ. Các nghệ nhân cho biết, nghề gốm ở thôn Bình Đức có từ rất lâu, được các gia đình người Chăm nơi đây duy trì qua nhiều đời.

Gốm gọ ngày nay được bảo lưu khá nguyên vẹn kỹ thuật, phương thức theo lối thủ công truyền thống, từ khâu lấy đất sét, chế biến, pha trộn đất, nhào nặn sản phẩm, chỉnh hình, chà bóng cho đến nung gốm, chế biến nước màu trang trí lên gốm sau khi nung.

Mới đây, tối ngày 15.6, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận cùng tỉnh Ninh Thuận đón Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”. Bởi hiện nay, đồng bào Chăm còn duy trì nghề thủ công làm gốm truyền thống tại làng gốm Bàu Trúc, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận và làng gốm Bình Đức, huyện Bắc Bình, Bình Thuận.

Các sản phẩm gốm Bình Thuận đã hoàn thiện chờ xuất bán. Ảnh: Duy Tuấn
Các sản phẩm gốm Bình Thuận đã hoàn thiện chờ xuất bán. Ảnh: Duy Tuấn

Sản phẩm gốm Chăm được sản xuất để phục vụ nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng cũng như làm quà tặng, trang trí các công trình nghệ thuật. Nghề làm gốm của người Chăm không chỉ đơn thuần là kỹ thuật sản xuất, tạo ra sản phẩm cụ thể mà ở đó hội tụ, chứa đựng rất nhiều bí quyết, kỹ năng, kinh nghiệm được trao truyền từ đời này qua đời khác tạo thành một nghệ thuật.

DUY TUẤN