Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng chính thức đã được xếp hạng là di tích lịch sử cấp thành phố theo Quyết định số 63/QĐ-UBND ngày 11.1.2021 của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng. Tuy vậy, lễ đón nhận được tổ chức đúng dịp kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam - 23.11.
Theo ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm, đây là vinh dự của Bảo tàng, vì đã ghi nhận những giá trị lịch sử, văn hóa của Bảo tàng suốt hơn 100 năm qua.
"Chúng tôi cũng mong UBND thành phố đề xuất lên Chính phủ công nhận là Di tích cấp Quốc gia để xứng đáng với tầm vóc của Bảo tàng. Chúng tôi sẽ ra sức gìn giữ, bảo tồn di sản quý báu này vì hiện nay, Bảo tàng Điêu khắc Chăm là bảo tàng chuyên ngành điêu khắc và có thể nói là lớn nhất về văn hóa Chăm ở Việt Nam hiện nay” - ông Tuấn nói.
Bảo tàng Điêu khắc Chăm được xây dựng từ năm 1915, mở cửa đón khách tham quan từ năm 1919. Đây là nơi lưu giữ bộ sưu tập các tác phẩm điêu khắc nghệ thuật tôn giáo tiêu biểu trong giai đoạn từ thế kỷ thứ V đến khoảng thế kỷ XIV-XV của nền văn hóa Chăm.
Tòa nhà Bảo tàng đồng thời là một công trình độc đáo, có bề dày trong lịch sử phát triển đô thị của thành phố Đà Nẵng, vừa mang các đặc trưng phong cách kiến trúc Pháp đầu thế kỷ XX, vừa kết hợp một cách hài hòa, tinh tế các đường nét kiến trúc đặc trưng của các đền tháp Chăm trên dải đất miền Trung Việt Nam. Bảo tàng Điêu khắc Chăm là một trong những điểm đến nổi bật, thu hút hàng trăm ngàn lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu về nền văn hóa Champa cổ thông qua bộ sưu tập điêu khắc tôn giáo đa dạng và rất tiêu biểu đang lưu giữ tại đây.
Bên cạnh các trưng bày về nền nghệ thuật điêu khắc Champa cổ, Bảo tàng còn chú trọng giới thiệu đến công chúng về đời sống, văn hoá, tín ngưỡng của cộng đồng người Chăm tại Việt Nam giàu bản sắc, vừa có tính kế thừa, vừa có sự biến đổi từ nền văn hóa Champa cổ trước đây.
Dịp này Bảo tàng cũng khai mạc Phòng Trưng bày Văn hóa Chăm. Trên cơ sở Phòng Trưng bày Lễ hội và Nghề thủ công của đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận, Bảo tàng đã cải tạo và nâng cấp Phòng Trưng bày Văn hoá Chăm với 6 chủ đề chính cùng hơn 150 hiện vật giới thiệu du khách. Bên cạnh việc bổ sung hiện vật; Phòng Trưng bày đồng thời được cải tạo, nâng cấp, áp dụng các phương pháp trưng bày mới về bục bệ, ánh sáng, giả lập bối cảnh… giúp du khách có trải nghiệm sinh động, ấn tượng về các nội dung được giới thiệu.
Với một nền văn hoá đặc sắc và có tiến trình phát triển lâu dài như văn hóa Chăm, phòng trưng bày chuyên đề kỳ vọng mang lại cho du khách cơ hội tiếp cận những nét đặc trưng, cơ bản nhất về truyền thống, văn hoá và đời sống hiện nay của dân tộc Chăm, qua đó làm phong phú thêm các trải nghiệm của khách tham quan khi đến với Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.