Cô gái làm tranh thính được nhiều người tìm mua

NGUYÊN ANH |

Bằng sự sáng tạo, ham học hỏi cô gái ở Kiên Giang đã thả thính làm tranh khiến nhiều người thích thú, tìm đến mua.

Ý tưởng rắc thính

Vốn được biết đến là cô gái chuyên làm tranh gạo ở Kiên Giang, gần đây Nguyễn Thị Tuyết Phượng (ngụ huyện Châu Thành) lại khiến nhiều người ngạc nhiên khi biến tấu, phát triển tranh gạo thành tranh thính.

Vào nghề mới vài năm nay, thế nhưng những sản phẩm tranh gạo của Tuyết Phượng đã có rất nhiều người biết đến, ưa thích và đặt mua, trong đó có nhiều khách nước ngoài. Từ niềm đam mê, yêu thích sáng tác tranh gạo, Phượng đã tiếp tục mày mò nghiên cứu và làm ra thêm tranh thính.

Phượng chia sẻ: “Làm nghệ thuật thì không có điểm dừng, luôn phải làm mới tìm tòi thêm nhiều cái độc đáo. Chính vì vậy tôi đã nghĩ đến việc xay gạo thành thính rồi làm tranh thử xem sao chứ không dám chắc mình làm được. Nhưng đến hôm nay nhiều khách hàng đã đặt mua tranh thính và bày tỏ sự yêu thích với loại tranh mới này tôi thấy rất vui”.

Phượng cho biết, cũng là hạt gạo rang cho đúng với màu sắc cần có rồi đem xay ra, rắc làm tranh. Nghe có vẻ đơn giản nhưng tranh thính làm còn khó hơn cả tranh gạo và mất nhiều thời gian hơn, kỳ công hơn.

Tuyết Phượng cho biết việc rắc thính đòi hỏi sự tỉ mỉ, chăm chút, mất nhiều thời gian hơn cả làm tranh gạo. Ảnh: Nguyên Anh
Tuyết Phượng cho biết việc rắc thính đòi hỏi sự tỉ mỉ, chăm chút, mất nhiều thời gian hơn cả làm tranh gạo. Ảnh: Nguyên Anh

Tranh thính tạo sự khác biệt về đường nét giúp các thể loại tranh được thể hiện đa dạng hơn, trông lạ mắt hơn. Cũng có khi gạo và thính kết hợp cùng nhau trong 1 bức tranh để tạo sự tương phản, điểm nhấn đường nét, bố cục, hình khối, sắc độ.

Đam mê, sống cùng hạt gạo

Phượng kể, chỉ một lần tình cờ nhìn thấy tranh gạo trên mạng, Phượng đã bị mê mẩn và nhanh chóng kết duyên với thể loại tranh này. Những màu sắc độc đáo của hạt gạo rang khiến cô bắt đầu mày mò tìm hiểu.

Những ngày đầu chập chững làm tranh không biết bao nhiêu công sức, mồ hôi, nước mắt bỏ ra nhưng đều thất bại. Bao nhiêu mẻ gạo rang bị cháy, bao nhiêu bức tranh làm hư, không đạt yêu cầu nhưng Phượng không bỏ cuộc. Thậm chí gia đình cũng phản đối vì nghĩ Phượng không thể làm được nhưng cô gái nhỏ nhắn này đã chứng minh được tài năng, niềm đam mê của mình đặt không sai chỗ.

“Những dịp lễ, Tết tôi phải làm việc cả ngày lẫn đêm, có khi không ngủ mới đủ tranh cung ứng. Nhiều khách hàng trong và ngoài nước đã tin tưởng chọn tranh gạo của tôi làm quà tặng, giờ có thêm tranh thính. Tôi hạnh phúc không chỉ vì bán được nhiều tranh mà còn vì khách hàng nói rằng tranh của tôi là món quà ý nghĩa, đậm chất Việt Nam”.

Tôi nghĩ với tôi là nghề chọn người chứ người không chọn nghề. Sự yêu thích của mình đến tình cờ nhưng lại không phải là sự vui chơi hay sở thích nhất thời. Càng đi sâu làm tranh, tôi học hỏi nhiều hơn, tích góp kinh nghiệm, trao đổi chia sẻ với những người làm các thể loại tranh khác để đối chiếu với dòng tranh mình đang theo đuổi.

Mong dòng tranh quê hương vươn xa

“Tranh gạo hay tranh thính cũng đều làm ra từ hạt gạo, là “hạt ngọc” của quê hương nên tôi vô cùng quý trọng. Mỗi bức tranh được khách đặt mua làm quà tặng tôi đều gởi tâm tư của mình vào làm để cố gắng tạo ra bức tranh có thể không phải đẹp nhất nhưng phải có hồn”, Phượng tâm sự.

1 sáng tác tranh thính của cô gái 9x Tuyết Phượng. Ảnh: Nguyên Anh
1 sáng tác tranh thính của cô gái 9x Tuyết Phượng. Ảnh: Nguyên Anh

Chị Nguyễn Ngọc Mai, một khách hàng mua tranh thính chia sẻ: “Tình cờ tôi thấy Phượng đăng tải bức tranh Phật và bản đồ Việt Nam rất đẹp nên tôi đã vào hỏi thăm. Biết được chất liệu làm bằng thính tôi thấy hay hay, đặc biệt nên đã đặt mua để tặng cho bạn ở nước ngoài. Lúc trước tôi có mua tranh gạo rồi nhưng tranh thính trông đặc biệt có sức hút riêng nên tôi mua thêm”.

Phượng cho hay, làm tranh không chỉ giúp cô nâng cao thu nhập mà đó còn là con đường nghệ thuật Phượng đang trải nghiệm, đang đi và sẽ tiếp tục đi.

Bên trong lớp vỏ trấu xù xì là hạt gạo trắng ngần, bên trong tâm hồn của cô gái sinh năm 1993 là tình yêu nghệ thuật, niềm đam mê và mong ước phát triển dòng tranh từ hạt gạo.

“Tương lai, tôi mong mình có thể làm nhiều hơn vì sáng tạo trong nghệ thuật là không ngừng và không có giới hạn. Tôi ước muốn sẽ đưa tranh gạo, tranh thính đi xa, không chỉ khách hàng trong nước biết đến để thấy rằng hạt gạo của Việt Nam có giá trị ra sao và có thể tạo nên thêm những giá trị đẹp cho đời”, Tuyết Phượng trải lòng.

NGUYÊN ANH