Theo TTXVN, huyện A Lưới có khoảng 77% dân cư là người dân tộc thiểu số; là địa phương có tỉ lệ hộ nghèo cao nhất toàn tỉnh. Từ trước đến nay, già làng, trưởng bản nơi đây luôn đóng vai trò, vị thế lớn đối với bà con. Ông Hồ Văn Hạnh (người Pa Cô - nhóm địa phương thuộc dân tộc Tà Ôi, xã Trung Sơn) là trưởng họ và cũng là già làng, người có uy tín trong xã. Thời gian qua, làm “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, ông đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc; vận động bà con tại địa phương giảm nghèo bền vững bằng nhiều phương thức như vay vốn sản xuất, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp…
Ông Hạnh cho hay, để vận động, thuyết phục được bà con, bản thân người uy tín phải “miệng nói, tay làm”. Bởi vì, bà con chỉ tin và làm theo khi thấy những việc làm thiết thực, hiệu quả. Để làm tốt phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo”, ông sẽ đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà để tuyên truyền, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của các hộ nghèo; đồng thời thường xuyên nắm bắt những nguyện vọng, khó khăn của cộng đồng dân cư; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, khai thác thế mạnh từng dòng họ, bản làng để không ngừng đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo.
Thời gian qua, chính quyền huyện A Lưới xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, nhiệm vụ xuyên suốt của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị. Trên tinh thần đó, địa phương đã tích cực xây dựng phương án thoát nghèo theo địa chỉ cụ thể cho từng hộ gia đình, tranh thủ nguồn vốn để xóa nhà tạm, tạo sinh kế, việc làm cho người dân, chỉ đạo lồng ghép các nguồn vốn từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia để giảm nghèo bền vững. Huyện đặt mục tiêu đến năm 2025, tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 12% để cùng toàn tỉnh phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Bí thư Huyện ủy A Lưới Huỳnh Công Quảng cho biết, lãnh đạo huyện luôn nhận thức sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng của già làng, trưởng bản, người có uy tín tại cơ sở. Do đó, chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức gặp mặt, lắng nghe ý kiến đóng góp, chia sẻ cũng như tạo điều kiện để các già làng, trưởng bản, người có uy tín tham gia, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội và công tác giảm nghèo tại địa phương. Bí thư Huyện ủy A Lưới kêu gọi các già làng, trưởng bản, người có uy tín trên toàn huyện tích cực vận động con cháu, người thân trong thôn, bản, các tầng lớp nhân dân có ý thức, khát vọng vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại cấp trên; đồng thời phát huy tốt hơn nữa vai trò "cầu nối" trong thực hiện các nhiệm vụ ở cơ sở, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm, triển khai thực hiện có hiệu quả và đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và người dân về công tác giảm nghèo dần được nâng lên. Cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn được quan tâm đầu tư… Nhờ đó, đời sống xã hội, nhất là vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng ổn định, phát triển. Tuy nhiên, tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh vẫn còn ở mức cao so với bình quân chung của cả nước (4,93% vào cuối năm 2021). Một số mục tiêu, chỉ tiêu chưa đạt yêu cầu đề ra, đặc biệt là giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững, còn nguy cơ tái nghèo… Một bộ phận người nghèo vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, chưa chủ động vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, huyện A Lưới được Trung ương xác định là 1 trong 74 huyện nghèo quốc gia.
Để thực hiện thành công Nghị quyết 54/NQ-TW ngày 10.12.2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế đề ra mục tiêu phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đến cuối năm 2024 còn 2,2% và đến cuối năm 2025 còn 1,84%; cuối năm 2023 huyện A Lưới đủ điều kiện thoát khỏi huyện nghèo quốc gia.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ, thông qua phong trào, Ban Thường vụ Tỉnh ủy mong muốn chính quyền và nhân dân huyện biên giới miền núi A Lưới đoàn kết, nâng cao nhận thức về công tác giảm nghèo bền vững một cách chủ động, tích cực và hiệu quả hơn; đồng thời sẽ lan tỏa phong trào ra khắp các địa bàn của tỉnh, góp phần đẩy mạnh phong trào xóa đói giảm nghèo đạt được những bước tiến rõ rệt.