Ủng hộ công dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh
Toàn tỉnh Gia Lai có gần 120 ngôi chùa và tịnh xá. Nhiều chùa, tịnh xá được trùng tu nâng cấp, xây dựng quy mô ở các vị trí thoáng đãng, đáp ứng nhu cầu tâm linh của đồng bào Phật giáo và người dân, hòa nhập với sự phát triển của xã hội.
Trong đợt dịch vừa qua, Ban Trị sự giáo Hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Gia Lai tổ chức 3 đợt vận động, kêu gọi các tăng ni, phật tử chung tay, đóng góp 68 tấn thực phẩm rau, củ, quả để ủng hộ cho bà con TP.Hồ Chí Minh trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội với tổng giá trị khoảng 800 triệu đồng.
Trong đó, ủng hộ chùa Vĩnh Nghiêm 20 tấn rau, củ quả, tại đây mỗi ngày chùa nấu 10.000 phần ăn cho các khu cách ly. Ủng hộ UBND quận 12, TP.Hồ Chí Minh 25 tấn rau, củ quả… Tịnh xá Ngọc Phúc, TP.Pleiku tặng 100 suất quà (mỗi suất trị giá 300.000 đồng) cho trẻ em mồ côi, cơ nhỡ tại Làng trẻ em SOS, phường Yên Thế, chùa Minh Thành tặng 150 suất quà cho các gia đình khó khăn tại phường Hội Phú, TP.Pleiku.
Chùa Hồng Đức, huyện Chư Prông tặng 334 suất quà cho các hộ khó khăn trên địa bàn xã Thăng Hưng. Chùa Bửu Tịnh ở thị xã Ayun Pa tặng 500 suất quà cho các gia đình khó khăn tại các phường trên địa bàn thị xã.
Cuối tháng 10.2021, Đại đức Thích Quang Dũng - Ủy viên Ban trị sự Phật giáo tỉnh Gia Lai, Trụ trì chùa Quan Âm đã phối hợp với chính quyền và Hội Chữ thập đỏ đến thăm, hỗ trợ các khu cách ly thuộc thị xã An Khê, huyện Kbang và huyện Kông Chro. Trong 2 ngày, đoàn đã hỗ trợ 2 tấn gạo đến 3 khu cách ly.
Đại đức Thích Quảng Phước - Trưởng Ban trị sự Phật giáo huyện Chư Sê, Trụ trì chùa Mỹ Thạch đã đến thăm và trao tặng 260 phần quà đến người dân có hoàn cảnh khó khăn đang thực hiện cách ly do dịch COVID-19 trên địa bàn. Đoàn đã trao tặng 100 phần quà đến người dân đang cách ly tại xã Ia Glai, 90 phần quà tại chùa Mỹ Thạch, 70 phần quà tại thị trấn Chư Sê với tổng trị giá 65 triệu đồng.
Lan tỏa tinh thần nhân văn của Phật giáo
Theo thống kê, tại Gia Lai hiện có hơn 500 chức sắc và tăng ni đang tu học. Nhiều vị tăng ni có trình độ cao được đào tạo trong và ngoài nước, trong đó có hơn 10 tiến sĩ và thạc sĩ, hơn 60 cử nhân Phật học, đáp ứng yêu cầu kế thừa, phát triển của Giáo hội. Nhiều năm qua, các tăng ni, phật tử đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, giúp đỡ người dân thiện lành vượt qua nghịch cảnh, mang lại cuộc sống tươi đẹp cho họ.
Ở phố núi Pleiku, không ai là không biết đến cơ sở khám chữa bệnh từ thiện mang tên Tuệ Tĩnh Đường của Ni sư Thích Nữ Minh Chánh đảm nhiệm. Tại đây, tất cả bệnh nhân đều được điều trị, khám bệnh hoàn toàn miễn phí. Hàng năm có hàng ngàn lượt bệnh nhân khắp cả nước đến Tuệ Tĩnh Đường khám chữa bệnh, nhiều người kinh tế khó khăn được ni sư lo cho chỗ ăn ở, điều trị bệnh.
Còn tại chùa Bửu Châu, TP.Pleiku, các ni sư đã cưu mang hơn 100 trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh cơ nhỡ. Hiện nay, còn hơn 60 cháu từ sơ sinh đến dưới 18 tuổi đang được nhà chùa nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo. Tại chùa, các trẻ em nghèo khó được sống trong tình yêu thương, đùm bọc của các ni sư, các em được học chữ để sau này làm việc có ích cho đời.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Hồ Hải Tần - Phó Giám đốc Sở Nội vụ kiêm Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Gia Lai cho biết: “Trong các hoạt động xã hội từ thiện, các nhà chùa, tăng ni, phật tử luôn đồng hành, hỗ trợ nấu ăn cho công dân hồi hương, quyên góp tiền ủng hộ cho đồng bào miền Trung bị lũ lụt, người lao động mất việc do dịch COVID-19. Những đóng góp của Phật giáo trên địa bàn đã góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp, lan tỏa tinh thần nhân văn”.