Hàng nghìn công nhân ngành may bị chấm dứt hợp đồng
Ngày 24.4, trao đổi với phóng viên, ông Phạm Đức Cường – Chủ tịch LĐLĐ huyện Diễn Châu (Nghệ An) cho biết, tổ chức công đoàn huyện đã tích cực hỗ trợ công nhân ngành may bị hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động.
“Do những nguyên nhân khách quan từ tình hình thế giới, nhiều doanh nghiệp may trên cả nước nói chung và trên địa bàn huyện Diễn Châu nói riêng đều gặp khó khăn do không có hoặc bị giảm sút đơn hàng. Do đó nhiều doanh nghiệp buộc phải tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động đối với công nhân” – ông Phạm Đức Cường nói.
Trên địa bàn huyện Diễn Châu có Công ty Cổ phần Nam Thuận Nghệ An (ngành may) tại xã Diễn Mỹ trước đây có quy mô khoảng 1.200 công nhân, tuy nhiên số công nhân tại đây vào thời điểm hiện nay chỉ còn khoảng 600 người. Ngoài ra một số cơ sở may quy mô nhỏ cũng gặp khó khăn, phải cắt giảm lao động.
“Đối với các lao động bị cắt giảm, LĐLĐ huyện thường xuyên kết nối, thông tin về các địa chỉ tuyển dụng lao động, do đó đến hay hầu hết công nhân đã tìm được việc làm mới, không bị thất nghiệp, khó khăn; các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đều bảo đảm” - Chủ tịch LĐLĐ huyện Diễn Châu cho hay.
Trên địa bàn huyện Thanh Chương có Công ty Cổ phần Quốc tế ABC chi nhánh Nghệ An đóng tại xã Thanh Tiên ở thời điểm thuận lợi có số công nhân lao động lên tới gần 700 người. Do khó khăn, Công ty thông báo tạm ngừng hoạt động từ cuối tháng 10.2022 cho tới cuối tháng 2.2023. Công ty có 460 lao động buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) và 105 lao động bị tạm hoãn hợp đồng.
Chủ tịch LĐLĐ huyện Thanh Chương cho biết đến nay Công ty đã hoạt động trở lại, tuy nhiên chỉ sử dụng 200 lao động. “Số lao động đã bị chấm dứt HĐLĐ đã liên hệ với các doanh nghiệp khác để tìm việc làm mới. Công đoàn cũng tích cực hỗ trợ người lao động trong việc tư vấn giải quyết chế độ chính sách, giới thiệu các địa chỉ tuyển dụng mới” – ông Lê Đình Thọ nói.
Kịp thời giải quyết hỗ trợ cho công nhân
Tại Yên Thành, theo số liệu từ LĐLĐ huyện, Công ty Cổ phần Tập đoàn An Hưng (ngành may) tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương đối với 888 lao động, giảm giờ làm đối với 709 lao động. LĐLĐ huyện đã lập hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền hỗ trợ cho những công nhân nói trên.
Theo LĐLĐ tỉnh Nghệ An, đến nay, cơ quan đã đề nghị ra quyết định hỗ trợ cho người lao động bị giảm giờ làm và bị mất việc làm tại 4 đơn vị Công đoàn huyện, ngành đủ điều kiện.
Theo đó, Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam có 356 người, gồm 353 người bị giảm giờ làm, 3 người bị chấm dứt HĐLĐ không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp với số tiền 361,7 triệu đồng.
LĐLĐ thị xã Cửa Lò có 26 người, gồm 16 người bị giảm giờ làm, 10 người bị ngừng việc, với tổng số tiền 26 triệu đồng.
LĐLĐ huyện Đô Lương có 78 người được hỗ trợ, gồm 69 người bị giảm giờ làm, 9 người bị tạm hoãn HĐLĐ với số tiền 87 triệu đồng. Toàn bộ người lao động được hỗ trợ thuộc Công ty Cổ phần may Minh Anh Đô Lương.
LĐLĐ huyện Yên Thành có 46 người bị giảm giờ làm được hỗ trợ số tiền 46 triệu đồng. Toàn bộ người lao động được hỗ trợ thuộc Công ty Cổ phần Tây Nghệ.
“Tổ chức công đoàn các cấp đã kịp thời hỗ trợ công nhân lao động bị giảm giờ làm hoặc mất việc làm một cách kịp thời, tích cực, tạo điều kiện tốt nhất để công nhân lao động sớm có việc làm mới và được hưởng các chế độ chính sách hỗ trợ liên quan, đồng thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ những công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Đồng thời, nắm bắt, lắng nghe tâm tư nguyện vọng người lao động, để chủ động có biện pháp hỗ trợ, giải quyết” – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An Kha Văn Tám cho biết.