Mục đích của Chương trình là hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức các lớp đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên và người lao động, góp phần tăng năng suất lao động, giúp các doanh nghiệp tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, người lao động ổn định việc làm và đảm bảo thu nhập. Đồng thời nâng cao khả năng thích ứng của người lao động thời kỳ hậu COVID-19 và sự tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0; thúc đẩy phong trào học tập, trau dồi kĩ năng nghề nghiệp, phát huy sức sáng tạo, sự thích nghi, sẵn sàng chuyển đổi nghề của người lao động.
Nội dung đào tạo bao gồm: Đào tạo đoàn viên, công nhân lao động có trình độ, tay nghề phù hợp, có khả năng phát triển, đảm nhiệm công việc quản lý tổ sản xuất ngành may; đào tạo đoàn viên, công nhân lao động có trình độ, tay nghề phù hợp, có khả năng phát triển, đảm nhiệm công việc kỹ thuật chuyền ngành may.
Công đoàn Dệt may Việt Nam hỗ trợ chi phí đào tạo, phí tổ chức, quản lý lớp học, giáo trình, tài liệu học tập trên cơ sở ký kết hợp đồng với 02 trường trong hệ thống là Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội và Trường Cao đẳng Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. Nội dung đào tạo được thực hiện dựa trên kết quả khảo sát nhu cầu của từng đơn vị, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tập trung vào việc nâng cao năng lực, chuyên môn, tay nghề, kỹ năng làm việc của đoàn viên, người lao động.
Các đơn vị triển khai Chương trình bao gồm: Công ty CP May Việt Thịnh, Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Công ty CP Dệt may Nha Trang; Công ty CP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công, Công ty CP Dệt may Huế; Tổng Công ty CP Dệt may Hà Nội, Tổng Công ty May 10 - CTCP, tổng số 14 lớp với 460 học viên.