Khóa học trọng điểm
Ngày 4.9, Học viện Phật giáo Việt Nam (HVPGVN) tại Hà Nội trang trọng tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2022 - 2023 và trao bằng tốt nghiệp Cử nhân Phật học khóa VIII, Thạc sĩ Phật học khóa I cho 306 học viên. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ VN Ngô Sách Thực đến dự và phát biểu tại buổi lễ.
Đến dự buổi lễ còn có các Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; đại diện các Học viện Phật giáo trong các cả nước; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và Hà Nội cùng hơn 1 vạn tăng, ni sinh.
Báo cáo tại buổi lễ, GS Lương Gia Tĩnh - Phó Viện trưởng HVPGVN tại Hà Nội - cho biết, niên học vừa qua, mặc dù dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng tới quá trình tu học của tăng ni sinh, giảng sư, nhưng nhờ sự quan tâm của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Giáo dục Phật học Trung ương, HVPGVN tại Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc trên mọi lĩnh vực giáo dục. Với sự cố gắng của Ban điều hành, giảng sư, giáo vụ đã giúp tăng ni sinh hoàn thành cơ bản các chương trình học đúng tiến độ và chất lượng.
Cụ thể, đã có 20 bản luận văn tốt nghiệp Cử nhân Phật học Khóa VIII (2018 - 2022) được các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành đánh giá cao. Họ là những hạt nhân được đào tạo cho hệ sau đại học Phật học và là đội ngũ giảng sư cho học viện. Đây được xem là khóa học trọng điểm để triển khai toàn diện các khâu của quy trình giáo dục - đào tạo theo tinh thần mới, ở tất cả các hệ, từ liên thông, cao đẳng đến cử nhân và sau đại học, với một cơ sở vật chất tiện nghi và khá hiện đại.
Bên cạnh đó, GS Lương Gia Tĩnh cũng cho biết, bằng nguồn vốn xã hội hoá, đến nay, học viện đã xây dựng hệ thống cơ sở vật chất tiện nghi và hiện đại, có thể đáp ứng được nhu cầu giảng dạy - nghiên cứu khoa học cho gần 1.000 tăng ni sinh nội trú tu - học.
Bao gồm Nhà Bảo tàng - Hội trường lớn với hơn 6.000m², Tòa nhà Viên Quang với hơn 10.000m² sử dụng; Khu Trai đường tiện nghi hiện đại hơn 5.000 m²; Khu nhà công vụ khang trang, phục vụ chư tôn đức và giảng sư thỉnh giảng.
Ngoài ra, còn có sân bóng đá mi-ni, sân cầu lông, bàn bóng bàn, sân bóng chuyền, đáp ứng nhu cầu học để tu, tu để học cho toàn thể tăng, ni sinh.
Tại buổi lễ, Hoà thượng, TS Phật học Thích Thanh Quyết - Viện trưởng Học viện - đã gióng lên hồi trống khai giảng năm học 2022 - 2023 trong niềm vui hân hoan của gần 1 vạn tăng, ni sinh, phật tử tham dự. Tại lễ khai giảng, Hội đồng điều hành học viện đã trao bằng tốt nghiệp cho 306 tăng, ni sinh của 2 hệ (cử nhân 300 vị và 7 vị hệ thạc sĩ).
Nêu cao đạo hạnh, nghiêm trì giới luật và tuân thủ pháp luật
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ VN Ngô Sách Thực gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các học viên đã được trao bằng tốt nghiệp hệ Cử nhân Phật học khóa VIII, Thạc sĩ Phật học khóa I và HVPGVN tại Hà Nội trong ngày khai giảng năm học 2022 - 2023.
Ông Ngô Sách Thực bày tỏ, trong những năm qua, công tác giáo dục, đào tạo tăng, ni của Giáo hội đã có những bước tiến rõ rệt cả về cơ sở vật chất lẫn quy mô, loại hình đào tạo và cấp học (cả tứ chúng) với 4 Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Huế, TP.Hồ Chí Minh và TP.Cần Thơ, cùng 34 trường Trung cấp Phật học.
Thành tựu nổi bật, dấu mốc quan trọng trong công tác giáo dục của Giáo hội là đầu năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức có chủ trương cho phép các HVPGVN có đủ điều kiện được mở hệ đào tạo sau đại học, đào tạo bậc thạc sĩ và tiến sĩ Phật học. Việc này đã đánh dấu sự phát triển toàn diện của Giáo hội trong công tác giáo dục Phật giáo.
Với những kết quả đã đạt được, ông Ngô Sách Thực tin tưởng, về những phương hướng, nhiệm vụ mà học viện đã đề ra là: Bất cứ trong hoàn cảnh nào hay vì lý do gì cũng không được xa rời mục tiêu của giáo dục Phật giáo Việt Nam là “Nhân bản - Trí tuệ - Phục vụ đạo pháp và dân tộc”, với phương châm “Tu - học lưỡng toàn”.
Ông Ngô Sách Thực cũng mong muốn, tăng, ni sinh của học viện luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp, vô ngã, vị tha; thực hành tốt giáo lý lục hòa của Phật giáo; nhất tâm ghi nhớ và hành trì Thông điệp Phật đản năm 2022 của Trưởng lão hòa thượng Thích Trí Quảng, Quyền Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Đồng thời đề nghị, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người đệ tử Phật cũng phải nêu cao đạo hạnh, nghiêm trì giới luật và tuân thủ pháp luật. Siêng năng thực hành giáo lý từ, bi, hỷ, xả để nuôi dưỡng thân tâm. Đó chính là nền tảng thực hiện trách nhiệm xã hội, xóa bỏ điều ác, hận thù, vô cảm trong xã hội. Đây cũng chính là tiền đề và là động lực để mỗi chúng ta thực hiện trách nhiệm xã hội của mình, cùng nhau xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.
“Với trách nhiệm của mình đối với các thành viên trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, UBTƯ MTTQ VN sẽ luôn đồng hành cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung và HVPGVN tại Hà Nội nói riêng trong việc đào tạo tăng tài, thực hiện các nhiệm vụ hướng vào mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết các tôn giáo ngày càng vững mạnh” - ông Thực nhấn mạnh.