Khơi thông mọi nguồn lực để phát triển văn hoá
Tại tọa đàm khoa học với chủ đề: “Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về văn học, nghệ thuật 80 năm qua” do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức chiều 1.3, nhiều ý kiến trao đổi tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh, văn hoá luôn đóng vai trò thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển của xã hội.
Về đề cương văn hoá Việt Nam (1943), PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho hay, đề cương văn hoá đã giúp cho chúng ta khai sáng, thức tỉnh, tập hợp văn nghệ sĩ trí thức, trong đó lấy vận mệnh đất nước đặt lên hàng đầu. Tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 1946, Bác Hồ có nói “văn hoá soi đường cho quốc dân đi” thì tư tưởng, quan điểm này thực sự giúp cho văn hoá vực dậy đất nước.
Phân tích bối cảnh và yêu cầu đổi mới của thực tiễn, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, để đổi mới về văn hoá chúng ta cần phải chuyển hoá tinh thần từ “văn hoá cứu quốc” thành “văn hoá kiến quốc”. Ở đó cần khơi thông mọi nguồn lực để phát triển văn hoá. Trong đó, lấy quyền văn hoá của người dân làm trung tâm cho mọi chiến lược, kế hoạch, cách thức quản lý văn hoá.
Ông cho rằng, chúng ta phải xem văn hoá là trung tâm của phát triển đất nước. Nhiều vấn đề của văn hoá xuất phát từ những lĩnh vực khác như chính trị, kinh tế, khoa học công nghệ, giáo dục… Chính vì vậy để giải quyết vấn đề văn hoá, cần giải quyết một cách tổng thể.
“Đổi mới về văn hoá bắt đầu tư đổi mới tư duy về văn hoá. Văn hoá không phải chỉ là câu chuyện “cờ, đèn, kèn, trống”…Văn hoá còn sâu sắc và nhiều yếu tố. Văn hoá không phải chỉ câu chuyện của giải trí.
Đó là câu chuyện của chính trị, kinh tế, sức mạnh mềm quốc gia tạo ra sự bản lĩnh, tự tin của dân tộc khi chúng ta hội nhập quốc tế. Văn hoá còn lan toả sang lĩnh vực kinh tế khi mà nó chuyển tải sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hoá” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Tại toạ đàm, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng chương trình mục tiêu tổng thể về chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Phó Thủ tướng mong muốn các nhà khoa học, văn nghệ sĩ sẽ đồng hành chặt chẽ cùng Chính phủ để xây dựng chương trình này.
Giá trị lớn lao và sức sống bền vững của Đề cương về văn hóa Việt Nam
Phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định những nội dung cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam đã trở thành nền tảng tư duy lý luận của Đảng về văn học, nghệ thuật suốt 80 năm qua.
Những quan điểm căn bản của Đề cương về vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật trong văn hóa; về mối quan hệ giữa văn hóa, văn nghệ với chính trị và kinh tế; về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật và đặc biệt là ba nguyên tắc “dân tộc hóa”, “đại chúng hóa”, “khoa học hóa” đã được Đảng ta không ngừng kế thừa, vận dụng, bổ sung và phát triển.
Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, giá trị lớn lao và sức sống bền vững của Đề cương về văn hóa Việt Nam đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý báu. Một trong những bài học quan trọng hàng đầu là sự kiên định với những vấn đề nền tảng, có tính nguyên tắc. Đồng thời không ngừng tìm tòi, đổi mới, sáng tạo để tiếp tục phát triển, hoàn thiện tư duy lý luận, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật.
Trước những yêu cầu, đòi hỏi mới của thực tiễn, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các nhà khoa học, văn nghệ tiếp tục đóng góp, tham mưu, tư vấn giúp Đảng tổng kết toàn diện, sâu sắc Nghị quyết, từ đó đề ra những quyết sách phù hợp, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ lĩnh vực văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.