Phần lớn số tiền hỗ trợ nói trên đều do các người con, cháu trong tộc họ đang làm ăn sinh sống trong và ngoài nước đóng góp và trở thành truyền thống từ nhiều năm qua.
Phòng VHTT TP cho biết điển hình trong phong trào này có: Tộc Phan Xuân (Cẩm Kim), tộc Võ Văn, Nguyễn Viết (Thanh Hà); tộc Lê Văn (Cửa Đại); tộc Nguyễn Văn - Trà Quế, Nguyễn Văn - Trảng Kèo, Lê Văn - Đồng Nà, xã Cẩm Hà, Lê Văn (Trường Lệ, Cẩm Châu), Trương Văn (Thanh Nhì - Cẩm Thanh), Trần Viết (Tân Thịnh - Cẩm An) …
Nội dung tộc họ khuyến học khuyến tài đã trở thành một nét văn hóa phi vật thể tại đây và thể hiện là một tiêu chí trong bộ quy ước xây dựng tộc văn hóa.
Hội An là vùng đất khá đặc biệt của tỉnh Quảng Nam với bề dày lịch sử là “khu kinh tế mở” của Xứ Đàng Trong, thời các Chúa Nguyễn (cách đây hơn 400 năm. Trên mảnh đất này lần lượt nhiều thương nhân Việt, Nhật, Hoa, đã chọn làm nơi sinh cơ lập nghiệp, để lại nhiều giá trị văn hoa vật thể và phi vật thể có giá trị. Năm 1999, Tổ chức UNESCO đã công nhận Khu phố cổ Hội An là Di sản văn hóa nhân loại.
Việc các tộc họ, các gia đình lập Quỹ khuyến học không chỉ tiếp thêm động lực cho con cháu học tập tốt hơn mà còn góp phần thúc đẩy phong trào xây dựng dòng họ học tập, gia đình học tập, tiến đến thực hiện hiệu quả Kết luận 49 của TW và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời trong nhân dân Hội An.