Sự ra đời của Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam

VƯƠNG TRẦN |

Sau thời gian được thành lập (từ 1980), Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam đã thu thập ý kiến của Ban Lãnh đạo các tổ chức, hệ phái Phật giáo trên cả nước để soạn thảo văn kiện căn bản cho sự thống nhất của Phật giáo Việt Nam vào năm 1981.

Mở đường cho thống nhất Phật giáo Việt Nam

Sáng 7.11 tới đây, Ban thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) quyết định tổ chức Đại lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập (1981 - 2021) theo hình thức trực tuyến với chủ đề “40 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Hội nhập và phát triển cùng đất nước”.

Qua 40 năm, GHPGVN đã phát huy truyền thống tốt đẹp, với nhiều hoạt động “lợi đạo ích đời”, đi đầu gương mẫu trong đoàn kết các tôn giáo, góp phần cùng nhân dân cả nước bảo vệ và xây dựng đất nước phát triển. 

Đây cũng là dịp để nhìn lại quá trình thành lập Ban vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam và các hoạt động của Ban vận động sau khi ra đời. Đó chính là quá trình mở đường cho quá trình thống nhất Phật giáo Việt Nam vào tháng 11.1981.

Chùa Quán Sứ-trụ sở của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam. Ảnh T.Vương
Chùa Quán Sứ-trụ sở của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam. Ảnh T.Vương

Cổng thông tin Phật giáo dẫn lời Hoà Thượng Thích Huệ Thông - Phó Tổng Thư Ký kiêm Chánh Văn Phòng II Trung ương Giáo hội cho biết: Sau khi được chính thức thành lập, Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam đã ra mắt tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) vào ngày 9.4.1980. Tại buổi lễ ra mắt, Hòa thượng Thích Trí Thủ đã tuyên đọc thông bạch của Ban Vận động gởi Tăng Ni, Phật tử cả nước và sau đó toàn Ban Vận động đã ra mắt với trên 200 đại biểu các vị Tăng Ni, Phật tử thủ đô.

Đến ngày 15.5.1980, Ban Vận động đã làm lễ ra mắt trước 600 chư Tăng, Ni, Phật tử thành phố Hồ Chí Minh tại chùa Xá Lợi.

Tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt đã đọc diễn văn khai mạc và Hòa thượng Thích Trí Thủ đã tuyên đọc thông bạch của Ban Vận động, khẳng định bối cảnh nước nhà đã thống nhất là vận hội mới mở đường cho thống nhất Phật giáo Việt Nam.

Hòa thượng Thích Giới Nghiêm, Thượng tọa Thích Giác Toàn đại diện các tổ chức, hệ phái đã phát biểu bày tỏ hoan hỷ và cảm xúc, nhất trí hoàn toàn với việc thống nhất Phật giáo Việt Nam. Tiếp đến, vào hai ngày 23 và 24.5.1980, Ban Vận động đã tổ chức ra mắt tại giảng đường chùa Từ Đàm (Huế) trước hơn 400 Tăng Ni, Phật tử cố đô.

Sau khi lễ ra mắt thành công tốt đẹp, tại Hà Nội, TP.HCM và Huế, giữa tháng 8.1980, Ban Vận động đã có cuộc mạn đàm thân mật với 140 đại biểu nhân sĩ, trí thức, Phật tử thuộc nhiều tổ chức Giáo hội, hệ phái tại chùa Vĩnh Nghiêm (thành phố Hồ Chí Minh ) do Hòa thượng Thích Trí Thủ chủ trì.

Vào ngày 16.1.1981, Hội nghị kỳ II của Ban Vận động đã tiến hành tại Hà Nội, Hòa thượng Thích Trí Thủ trong diễn văn khai mạc, nêu rõ quyết tâm tiến hành sớm việc thống nhất Phật giáo Việt Nam trong năm 1981, Hội nghị đã thảo luận chương trình hoạt động của Ban trong năm 1981 và gấp rút chuẩn bị cho việc hình thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Tiếp đến, từ ngày 15 đến 24.3.1981, Ban Vận động lần lượt đến thăm và tiếp xúc 9 hệ phái gồm: Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam, Hội Phật học Nam Việt, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam, Thiên Thai Giáo Quán Tông; Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố Hồ Chí Minh; Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam và Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước miền Tây Nam Bộ.

Các cuộc tiếp xúc đã diễn ra giữa Ban Vận động và các Giáo hội, tổ chức Hội và hệ phái trong bầu không khí cởi mở, chân tình và thẳng thắn. Mọi tâm trạng, tư tưởng đều nhìn về một hướng chung, đó là thống nhất Phật giáo Việt Nam. Đó là lựa chọn duy nhất và phù hợp nhất trong bối cảnh nước nhà thống nhất.

Thống nhất Phật giáo Việt Nam

Vào ngày 5.8.1981, tại chùa Xá Lợi (quận 3, thành phố Hồ Chí Minh ), Hội nghị kỳ III của Ban Vận động đã họp phiên toàn thể, có thể nói đây là hội nghị cuối cùng của Ban Vận động trước khi tiến hành hội nghị thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam diễn ra vào đầu tháng 11.1981.

Hội nghị đặt dưới sự chứng minh của Hòa thượng Thích Đức Nhuận và chủ trì của Hòa thượng Thích Trí Thủ, cùng các vị giáo phẩm trong Ban Thường trực, phía khách mời có đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM.

Mục đích của Hội nghị kỳ III là để các vị trong Ban Vận động, lãnh đạo các hệ phái góp ý kiến, thảo luận các phương thức và đường lối thống nhất Phật giáo Việt Nam. Hội nghị cũng đã thảo luận góp ý kiến về bản dự thảo văn kiện thống nhất Phật giáo cùng nội dung tổ chức Hội nghị đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam. Qua 4 ngày làm việc trong tình đoàn kết, cảm thông và xây dựng, Hội nghị kỳ III đã thành công viên mãn.

Vào sáng ngày 9.10.1981, Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam đã phối hợp với Ban Vận động thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi họp mặt Tăng Ni, Phật tử thành phố Hồ Chí Minh tại chùa Xá Lợi nhằm chuẩn bị tiến tới Hội nghị đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 11.1981.

Cuộc họp mặt quy tụ trên 1.000 Tăng, Ni, Phật tử tiêu biểu của các hệ phái, tổ chức Phật giáo tại thành phố Hồ Chí Minh. Tại cuộc họp, Hòa thượng Thích Trí Tịnh – Trưởng ban Nội dung đọc lời đúc kết các ý kiến đóng góp trong cuộc họp, nói lên được tính nhất quán cao độ và sâu sắc của toàn thể Tăng Ni, Phật tử hiện diện đối với công cuộc thống nhất Phật giáo Việt Nam.

Như vậy, sau thời gian từ khi được thành lập (từ 1980) làm tốt vai trò của mình, Ban vận động đã thu thập ý kiến của Ban Lãnh đạo các tổ chức, hệ phái Phật giáo trên cả nước để soạn thảo văn kiện căn bản cho sự thống nhất vào năm 1981. Đồng thời, tổ chức hội nghị đại biểu các hệ phái, thảo luận, biểu quyết các văn kiện và thành lập Ban Lãnh đạo Trung ương lâm thời để triển khai thành lập cơ cấu tổ chức các tỉnh thành.

Và dấu mốc ngày 7.11.1981, tại thủ đô Hà Nội, Đại hội Thống nhất Phật giáo cả nước đã khai sinh ra Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN). Từ đây, Phật giáo Việt Nam có cơ duyên để thể hiện truyền thống Phật giáo yêu nước gắn bó cùng với dân tộc.

VƯƠNG TRẦN