Hơn 5 năm làm công nhân tại một nhà máy về may mặc tại Khu công nghiệp Khai Quang (tỉnh Vĩnh Phúc), chị Lê Thị Phương Hoa (thị trấn Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) cho hay, tháng 10.2022, do đơn hàng ít, thu nhập của anh em công nhân giảm xuống một nửa, chỉ còn 7 triệu đồng/tháng.
Theo chị Hoa, năm 2021, mặc dù dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, nhưng những tháng cuối năm, dịch bệnh được kiểm soát, các biện pháp phòng chống dịch được nới lỏng, kinh tế mở cửa trở lại, công ty chị rất nhiều đơn hàng, công nhân làm không xuể, phải tăng ca để hoàn thiện các đơn hàng.
Vì thế, cuối năm, công ty vẫn vượt kế hoạch năm, thưởng tết cho công nhân được 2 tháng lương cơ bản.
Tuy nhiên, năm nay, chị Hoa không dám nghĩ đến thưởng Tết, vì cuối năm nay, đơn hàng của công ty không nhiều, công nhân không được tăng ca.
“Năm nay, tết dương lịch và âm lịch gần nhau, đến giờ chưa có thông tin, chắc là không có thưởng tết dương, còn tết âm thì khả năng có nhưng sẽ thấp”, chị Hoa nói.
Liên quan đến vấn đề thưởng tết cho người lao động, GS-TS Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội - đã có đề xuất các cơ quan chức năng cần có quy định về việc đưa thưởng Tết, lương tháng 13 vào quy chế nội bộ, hay thỏa ước lao động tập thể, thay vì cứ dịp Tết lại rộ lên câu chuyện công nhân được thưởng Tết bao nhiêu.
Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, thưởng là tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động bằng tiền, hiện vật, hoặc các hình thức khác căn cứ vào hiệu quả sản xuất kinh doanh và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Có thể hiểu, thưởng không bắt buộc. Song, luật quy định, muốn thưởng, người sử dụng lao động phải có quy chế thưởng, phải công khai, có sự tham gia của tổ chức công đoàn.
Trong khi đó, thực tế lâu nay thưởng đã trở thành một văn hóa tất yếu ở hầu hết các doanh nghiệp. Do đó, khuyến nghị đưa thưởng Tết, lương tháng 13 vào thoả ước tập thể, hoặc quy định nội bộ thành mức thưởng bắt buộc, thực chất là bản cam kết thực hiện nghĩa vụ thưởng.
Nhưng khác ở chỗ, người lao động sẽ biết được mức thưởng nếu mình hoàn thành công việc, thay vì hàng năm, doanh nghiệp lại phải đưa ra thoả thuận, sau đó mới công khai.
Theo ông Lê Đình Quảng, việc đưa thưởng Tết vào thoả ước lao động sẽ giúp cho việc thực hiện thưởng là bắt buộc, vừa giúp lao động được hưởng đầy đủ các quyền lợi và cũng tạo sự khích lệ trong công việc.