Một thời khó khăn
Lao Động từng có bài phản ánh về những khó khăn của CNLĐ nhập cư có con nhỏ ở tỉnh Long An khi chuẩn bị vào năm học mới. Do không có hộ khẩu thường trú tại địa phương, nhiều CNLĐ nhập cư có con nhỏ, mỗi khi vào năm học mới phải chọn phương án hoặc gửi học các trường dân lập với giá cao hoặc đưa con về quê nhờ gia đình nội, ngoại chăm lo.
Chị Trần Thị Phương Nga - CNLĐ Công ty TNHH Giày FuLuh Việt Nam (xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) - chia sẻ, vợ chồng chị quê ở miền Bắc, vào Long An làm CN và ở nhà trọ, Do không có hộ khẩu thường trú nên rất khó xin cho con vào học tại các trường công lập. Khi con còn nhỏ, vợ chồng chị gửi học mẫu giáo ở trường tư với chi phí khá cao. Chị dự định khi con lớn hơn, vào học tiểu học, sẽ gửi con về quê để ông bà ngoại chăm lo vì ở Cần Giuộc không có trường tiểu học dân lập.
Chị Lê Thị Tuyết - CNLĐ Công ty TNHH SX TM DV Lê Nam (huyện Đức Hòa) cho biết, khi vợ chồng chị từ Trà Vinh đến Đức Hòa làm việc, do không đủ điều kiện gửi con vào lớp 1 ở địa phương nơi làm việc, nên đành đưa con về gửi bên ngoại để đi học. Mỗi tuần, vợ chồng chị phải vượt hàng trăm cây số đi về Trà Vinh để lo cho con đi học, vừa tốn kém vừa mất thời gian.
Để giúp CNLĐ nhập cư bớt khó khăn, Ban Chấp hành CĐCS Công ty Đông Quang (Khu công nghiệp Tân Đức, huyện Đức Hòa) đã đề xuất Ban Giám đốc công ty đầu tư tổ chức trường mẫu giáo, nhà trẻ và trường tiểu học cho con của CNLĐ xa nhà, học miễn phí hoàn toàn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, công ty chỉ còn duy trì được nhà trẻ, mẫu giáo, còn hệ tiểu học thì không được phép tiếp tục theo qui định của ngành Giáo dục, vì vậy không ít CNLĐ nhập cư phải gửi con về quê học tiểu học.
Khó khăn được tháo gỡ
Bà Lê Thị Thu Cúc - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Long An - cho biết, từ sự phối hợp của tổ chức Công đoàn, ngành Giáo dục và các địa phương trong tỉnh, CNLĐ nhập cư trên địa bà tỉnh Long An đã có thể gửi con vào học các trường công lập như bao học sinh khác ở tại địa phương. Điều kiện rất đơn giản là có gấy xác nhận đang làm việc ở đơn vị nào đó và có giấy đăng ký tạm trú.
Còn theo ông Lê Công Lập - Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH ShillaBags (huyện Đức Hòa), trước đây nhiều CNLĐ nhập cư trong công ty phải gửi con nhỏ về quê đi học, giờ thì hầu như không còn ai gửi con về quê vì trẻ nhỏ đã có thể vào học các trường công lập tại địa phương. Thậm chí, nhiều trẻ là con CNLĐ nhập cư muốn chuyển trường đến Đức Hòa vào giữa năm học, khi CĐCS công ty làm việc với ngành Giáo dục địa phương, đã được giải quyết. “Việc tạo điều kiện cho con CNLĐ nhập cư được đi học tại nơi cha mẹ làm việc vừa giúp giảm chi phí và thời gian cho CNLĐ khi phải tỉnh thoảng về quê thăm con; vừa giúp họ an tâm công tác, gắn bó với công ty và với địa phương nơi làm việc”, ông Lập chia sẻ.
Từ năm học 2022 - 2023, vợ chồng anh chị Nguyễn Phát Tưởng - Nguyễn Thị Sen (CNLĐ Công ty TNHH ChingLuh, huyện Cần Giuộc) lần đầu tiên được hưởng niềm hạnh phúc lớn lao của bậc cha mẹ khi đã đón con nhỏ từ quê nhà (tỉnh Phú Thọ) vào học trường công gần nơi cha mẹ làm việc. Vào Cần Giuộc làm việc đã gần 10 năm, cũng là thời gian anh chị xa con vì nơi đây không có trường công cho con đi học.
Tương tự, vợ chồng chị Trương Thị Kim Hương (CNLĐ Công ty Phúc Hoa, huyện Cần Giuộc), từ năm học này đã có thể đón 2 con (11 tuổi và 5 tuổi) từ quê nhà Hậu Giang lên ở nhà trọ Bé Ba (thị trấn Cần Giuộc) để hàng ngày đi học gần nơi cha mẹ làm việc. May mắn hơn, khi mà cha mẹ không thể chủ động giờ giấc làm việc trong công ty để đón con, những CNLĐ cùng ở trọ đã giúp nhau, nhờ vậy mà khó khăn đã được khắc phục.