Làng quê đổi khác từ hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia

PHƯƠNG ANH |

Tỉnh Sóc Trăng, địa phương có trên 30% dân số là đồng bào Khmer đang được thụ hưởng các dự án từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Chương trình). Từ nhiều nguồn vốn của Trung ương, tỉnh Sóc Trăng đã đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng nông thôn, hỗ trợ nhà ở, sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là người dân tộc Khmer đã từng bước phát huy hiệu quả, giúp bà con vùng đồng bào dân tộc cải thiện thu nhập, ổn định đời sống.

An cư

Chương trình được chia thành 10 dự án thành phần với các tiểu dự án. Trong đó, Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi ngành nghề, nước sinh hoạt,.. đang được tỉnh Sóc Trăng tích cực rà soát đúng đối tượng thụ hưởng và giải ngân vốn để kịp thời, giúp người dân sớm có được ngôi nhà ở vững chắc.

Trước đây, căn nhà cấp 4 của gia đình chị Liêu Thị Phết ở thị trấn Lịch Hội Thượng (Trần Đề, Sóc Trăng) đã xuống cấp, vào mùa mưa thì dột nát. Vì hoàn cảnh khó khăn còn phải lo cho con ăn học nên gia đình chưa có điều kiện để sửa chữa nhà. Nhờ được địa phương hỗ trợ 44 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình, Chị dùng số tiền này xây được căn nhà mới với diện tích 32m2, khang trang và đảm bảo 3 cứng.

Chị Phết vui mừng chia sẻ: “Nếu như không có tiền hỗ trợ từ Chương trình thì không biết đến bao giờ mới có được căn nhà kiên cố, khang trang như hiện nay. Giờ đây, vợ chồng tôi chăm chỉ làm ăn để chăm lo cho cuộc sống”.

Nhiều hộ đồng bào Khmer Sóc Trăng được hỗ trợ nhà ở, đất ở. Ảnh: Phương Anh
Nhiều hộ đồng bào Khmer Sóc Trăng được nguồn vốn hỗ trợ nhà ở của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Phương Anh

Tại huyện Trần Đề (Sóc Trăng) trong năm 2022-2023, có trên 270 hộ được thụ hưởng nguồn vốn hỗ trợ nhà, đất ở từ Chương trình. Đến nay đã có trên 160 căn hoàn thành, các căn còn lại cũng xây dựng từ 30% - 50%.

“Hiện nay, 10 xã, thị trấn có người dân thiểu số trên địa bàn huyện được thụ hưởng chương trình đang tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Ngoài nguồn vốn được hỗ trợ, từng gia đình có thể đối ứng thêm chi phí để xây nhà khang trang hơn”, ông Thạch Văn Mến - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Trần Đề (Sóc Trăng) - cho biết.

Lạc nghiệp

Cũng từ Dự án 1, nhiều hộ đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng còn được hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, từ đó giúp nâng cao thu nhập và từng bước rút ngắn khoảng cách giàu, nghèo trong xã hội.

Chị Sơn Thị Phiên, xã Thuận Hòa (Châu Thành, Sóc Trăng) không đất sản xuất, quanh năm đi làm thuê để lo chi phí sinh hoạt. Được hỗ trợ 10 triệu đồng để mua xe ép nước mía, chị đã tập trung vào việc kinh doanh và có thời gian nuôi dạy con cái.

“Trước đây mình làm thuê nên thu nhập bấp bênh, bởi công việc thường là thời vụ. Nhờ được địa phương hỗ trợ mua chiếc xe ép nước mía, mình mua mía về ép bán cũng có thu nhập ổn định. Trung bình một ngày cũng kiếm được 150.000 - 200.000 đồng. Ở nông thôn thu nhập vậy là rất khá”, chị Phiên vui mừng thổ lộ.

Các hộ đồng bào Khmer được hỗ trợ dụng cụ chuyển đổi ngành nghề. Ảnh: Phương Anh
Các hộ đồng bào Khmer được hỗ trợ dụng cụ chuyển đổi ngành nghề. Ảnh: Phương Anh

Niềm vui lạc nghiệp không chỉ có ở gia đình chị Sơn Thị Phiên (Thuận Hòa, Châu Thành, Sóc Trăng) mà còn là niềm vui chung của 1.876 hộ đồng bào Khmer có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng được hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề.

Tùy vào việc chuyển đổi, các hộ được nhận số tiền hỗ trợ khác nhau để mua máy phun thuốc, máy cắt cỏ, xe máy hay xe nước mía. Đến nay, người dân thụ hưởng dần cải thiện được cuộc sống bởi đã có nguồn thu nhập ổn định từ 250.000 - 300.000 đồng/ngày đối với các ngành nghề.

Trong năm 2022 và 2023, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng là 654.162 triệu đồng. Tính đến ngày 30.6.2023, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 1.876 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 676 hộ, tiếp tục xây dựng 04 công trình nước tập trung; thực hiện 19 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, triển khai đầu tư 113 công trình dân sinh giao thông nông thôn, mạng lưới chợ,..

Qua đó, góp phần giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số từng bước cải thiện đời sống, phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo. Hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn vùng đồng bào tiếp tục được quan tâm, ưu tiên tập trung đầu tư, các công trình thủy lợi, điện, nước cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân.

Theo Ban dân tộc tỉnh Sóc Trăng, ước đến cuối năm 2023 toàn tỉnh thực hiện hỗ trợ đất ở cho 338 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 1.899 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 4.560 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.223 hộ; xây dựng 04 công trình nước tập trung; thực hiện trên 40 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng; triển khai xây dựng 113 công trình.

PHƯƠNG ANH