Từ năm 2015 đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Quảng Ngãi đã tiếp nhận trên 29 tỉ đồng của các chủ đầu tư có nhu cầu trồng rừng thay thế. Quỹ đã chuyển kinh phí cho Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh trồng hơn 399ha rừng, giải ngân đạt 57%.
Ngoài ra. trong năm 2022, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã thực hiện chi trả tiền cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng hơn 12,2 tỉ đồng, tương ứng hơn 37,9 nghìn hecta rừng. Mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cao nhất 800.000 đồng/ha/năm, thấp nhất 400.000 đồng/ha/năm, bình quân khoảng 422.000 đồng/ha/năm; với hơn 1.500 hộ gia đình hưởng lợi từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng. Trong năm 2023, Quỹ sẽ chi trả trên 15,5 tỉ đồng tiền dịch vụ môi trường cho các chủ rừng, tương ứng hơn 43,3 nghìn héc ta rừng, chiếm gần 50% tổng kinh phí cho công tác quản lý bảo vệ rừng năm 2023 của toàn tỉnh.
Ông Phạm Văn Hoàng - Tổ trưởng Tổ cộng đồng bảo vệ rừng thôn Làng Vờ, xã Ba Nam, huyện Ba Tơ cho biết, đều đặn hằng tháng, các hộ dân ở thôn Làng Vờ đều phân công, phối hợp với lực lượng kiểm lâm địa bàn tổ chức đi tuần tra rừng. Nếu như trước đây, tình trạng chặt phá rừng tự nhiên để trồng mì, lúa rẫy diễn ra thường xuyên, thì hiện nay tình trạng này hầu như không còn. Có được điều đó là nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, giúp người dân được hưởng lợi. Không chỉ được nhận tiền hỗ trợ từ việc nhận khoán bảo vệ rừng, mà mỗi năm, mỗi hộ dân đều có thêm thu nhập khoảng 10 triệu đồng từ nguồn lâm sản phụ dưới tán rừng.
Tương tự, khu vực thôn Gò Tranh, xã Long Sơn, huyện Minh Long, có khoảng 1.200ha rừng tự nhiên người dân địa phương phối hợp với chính quyền bảo vệ tốt, với khoảng 100% hộ dân đều tự nguyện giữ rừng. Để giữ rừng, chính quyền và người dân thành lập tổ bảo vệ rừng. Hằng tháng, những người đàn ông trong tổ bảo vệ rừng lên đường tuần tra 2-3 lần trong tháng và khi có lệnh đột xuất đều sẵn sàng tham gia truy quét.
Ông Đinh Văn Cư ở thôn Gò Tranh cho biết, giữ 1ha rừng, mỗi thành viên tổ bảo vệ rừng nhận được 400.000 đồng/ năm. Tùy theo diện tích nhận khoán mà số tiền được nhân lên, dân làng vì thế cũng có thêm động lực giữ rừng. Rừng được giữ, mạch nước ngầm ở đây cũng quanh năm dồi dào, không bị khô hạn. Ngoài ra, người dân còn khai thác cây mây và các loại cây dược liệu sống dưới tán rừng để bán, mang lại nguồn nhập khấm khá.
Ông Nguyễn Đình Trình - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Chúng tôi phấn đấu giai đoạn 2024 - 2030, thu dịch vụ môi trường rừng khoảng 175 tỉ đồng; chi cho các bên cung ứng và hỗ trợ các chương trình dự án. Rừng được giữ, đời sống của người dân giữ rừng cũng ổn định cho thấy tầm quan trọng của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trong việc nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng, góp phần giảm áp lực chi từ nguồn ngân sách Nhà nước cho lâm nghiệp”.