Xuất hiện hiện tượng “đứt gãy”
Theo PGS-TS Lương Đình Hải - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, hiện nay đang xuất hiện hiện tượng “đứt gãy”, gián đoạn về giáo dục, trao truyền hệ giá trị con người giữa các thế hệ.
Trước đây, công việc này chủ yếu do gia đình đảm nhận, là vai trò, chức năng căn bản của gia đình, ông bà, bố mẹ. Ngày nay trẻ em học hành, tiếp xúc với thầy cô, bạn bè nhiều hơn ở nhà với ông bà, bố mẹ, anh chị em.
Trong khi nhà trường chưa sẵn sàng, chủ động với việc giáo dục các hệ giá trị thì vai trò, chức năng của gia đình về việc này đang bị rút bỏ.
“Xã hội chưa sẵn sàng tiếp nhận nhiệm vụ trực tiếp, chủ động trao truyền, giáo dục hệ giá trị con người và các hệ giá trị khác thì gia đình đã bị tước bỏ chức năng này. Đây là khiếm khuyết lớn” - PGS-TS Lương Đình Hải phân tích.
GS-TS Nguyễn Hữu Minh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam đề cập đến hệ giá trị gia đình ở góc độ những thách thức trong mối quan hệ vợ chồng.
Theo đó, sự chia sẻ vợ chồng ở nhiều gia đình, người vợ vẫn đảm nhiệm chủ yếu các công việc nội trợ, bên cạnh hoạt động lo thu nhập mà gánh nặng các công việc gia đình ấy chưa được người chồng đánh giá đúng mức.
Điều đó khiến cho nhiều phụ nữ giảm sút sức khoẻ, không có thời gian dành cho hoạt động nghỉ ngơi, giải trí, từ đó, hạn chế sự phát triển của phụ nữ cũng như làm giảm chất lượng mối quan hệ vợ chồng.
Nhìn nhận về sự hiếu thảo và trách nhiệm đối với cha mẹ, các đại biểu cũng chỉ ra một số góc khuất về việc chăm sóc đối với người cao tuổi. Trước đây, người cao tuổi thường sống chung với con cháu trong gia đình mở rộng để thuận tiện cho con cháu chăm sóc. Tuy nhiên, xu thế hạt nhân hoá gia đình và di cư mạnh mẽ tìm kiếm việc làm gây ra những khó khăn cho việc chăm sóc cha mẹ cao tuổi.
Tỉ lệ con cái sống chung với cha mẹ sau khi kết hôn giảm đi, làm cho việc chăm sóc của con cái đối với cha mẹ sẽ ít thường xuyên hơn. Số con trong gia đình ít đi sẽ làm giảm nguồn hỗ trợ cho cha mẹ khi tuổi già.
Điều hết sức đáng lo ngại là các hành vi bạo lực về thể chất, tinh thần và kinh tế do con cháu gây ra đối với một bộ phận người cao tuổi. Hình thức bạo lực xảy ra nhiều nhất là hỗn láo, lăng mạ, sỉ nhục người cao tuổi.
Bà Nguyễn Thị Minh Hương - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, sự xuất hiện của kiểu gia đình mới: Cha, mẹ đơn thân, ly thân, gia đình đồng tính.
Tuy nhiên do thiếu kỹ năng, kinh nghiệm sống dẫn đến tình trạng mâu thuẫn, xung đột trong các gia đình trẻ có chiều hướng gia tăng.
Bên cạnh đó, việc tiếp thu dễ dãi các tư tưởng, trào lưu, lối sống khác lạ đến từ bên ngoài khiến nhiều bạn trẻ không kiểm soát được hành vi, suy nghĩ, có lối sống buông thả, dễ dãi trong quan hệ tình dục, hôn nhân, gây suy giảm sức khỏe, nòi giống, để lại những hệ lụy lớn cho bản thân, gia đình và xã hội.
Bà Nguyễn Thị Minh Hương nêu lên thực trạng: “Trên không gian mạng, những thế lực xấu sử dụng mọi chiêu trò, sức mạnh của truyền thông, tâm lý nhẹ dạ cả tin, hám lời của người dùng, dụ dỗ, lôi kéo nhiều người tham gia vào những hội thánh mang màu sắc tôn giáo, mê tín, khuyên con người từ bỏ trách nhiệm với gia đình, không thờ cúng tổ tiên, cắt đứt tình thân”.
Củng cố chức năng giáo dục của gia đình
Từ một số bất cập tồn tại trong gia đình Việt Nam hiện nay, theo các chuyên gia, việc xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam là nhiệm vụ không tách rời với xây dựng hệ giá trị gia đình, hệ giá trị văn hoá và hệ giá trị quốc gia.
PGS-TS Đặng Thị Hoa, Viện trưởng Viện Tâm lý học, khẳng định văn hóa gia đình là một trong những cốt lõi của văn hóa Việt Nam, là nơi khởi nguồn sinh ra và nuôi dưỡng con người trưởng thành.
Việc giữ gìn, phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình trong thời kỳ hiện nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước.
“Các giá trị cốt lõi của gia đình được xác định là trọng tâm trong xây dựng con người Việt Nam mới với những giá trị chuẩn mực về tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh”, PGS-TS Hoa nhấn mạnh.
PGS-TS Đặng Thị Hoa cho rằng, nghiên cứu về gia đình cần được tiếp tục với những đầu tư về công sức và trí tuệ.
Những vấn đề về gia đình còn đang để ngỏ cho các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, cần làm rõ những gì đang tồn tại bên trong gia đình Việt Nam, để xem xét một cách kỹ càng, thấu đáo những gì “bên dưới một lớp sơn phủ ngoài những ý niệm có sẵn” về gia đình.
GS-TS Nguyễn Hữu Minh đã gợi mở một số vấn đề cần quan tâm để đạt được mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ trong giai đoạn tới.
GS-TS Nguyễn Hữu Minh khẳng định, cần nhận thức đầy đủ hơn vai trò quan trọng của gia đình đối với sự phát triển xã hội nói chung, từ đó, chú ý một cách toàn diện khía cạnh gia đình trong các chính sách kinh tế - xã hội.
Đồng thời, cần quan tâm củng cố chức năng giáo dục của gia đình, xây dựng mối quan hệ mới giữa cha mẹ và con cái trên cơ sở tiếp thu những giá trị nhân văn mới, kế thừa những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam truyền thống.
Đặc biệt, cần xây dựng hệ tiêu chí thống nhất và cụ thể hoá các mục tiêu xây dựng gia đình của Đảng, tạo thuận lợi cho quá trình tuyên truyền và triển khai thực tế các kế hoạch hành động xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ.