Mùa thu năm 1945, ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính quyền cách mạng còn non trẻ, giữa bộn bề việc Nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian để gặp gỡ giới doanh nghiệp và doanh nhân.
Hai tuần sau ngày Quốc khánh, ngày 18.9.1945, trong tuần lễ vàng, giới chức xã hội đầu tiên được Bác tiếp tại Phủ Chủ tịch cũng lại là các nhà tư sản dân tộc - đại diện của giới công thương gia Hà Nội.
Một tháng sau, ngày 13.10.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư động viên họ tham gia Công thương cứu quốc đoàn. Bức thư chưa đầy 200 chữ đó của Bác có thể coi như văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta đối với doanh nghiệp, doanh nhân.
77 năm đã trôi qua nhưng tư tưởng của Bác về doanh nghiệp, doanh nhân được nêu trong bức thư ngày ấy vẫn còn nguyên giá trị.
Trong bức thư, Bác gọi giới công thương là “các Ngài”. Bác đã mở đầu bức thư một cách thân mật và trân trọng: “Cùng các Ngài trong giới công thương”.
Người viết: “Được tin giới công thương đã đoàn kết lại thành Công thương cứu quốc đoàn và gia nhập mặt trận Việt Minh, tôi rất mừng.
Hiện nay, Công thương cứu quốc đoàn đang hoạt động để làm nhiều việc ích nước lợi dân, tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt”.
Như vậy, về vị trí của giới doanh nhân, Bác đã khẳng định: doanh nhân là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và Công thương cứu quốc đoàn - tổ chức của giới doanh nhân là một thành viên của hệ thống chính trị của đất nước – thành viên của mặt trận Việt Minh.
Về vai trò, nhiệm vụ của giới doanh nhân trong các giai tầng xã hội ở Việt Nam, Bác viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”. Như vậy, Bác đã xác định rõ nhiệm vụ xây dựng kinh tế là nhiệm vụ của doanh nghiệp, doanh nhân.
Về mối quan hệ giữa công việc của giới doanh nhân và sự nghiệp của đất nước, Bác viết: “Việc nước việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng”.
Xác định việc nước việc nhà phải đi đôi với nhau, đó là lời dạy rất quan trọng của Bác đối với doanh nhân trong sự nghiệp làm giàu, trong việc phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân, là yêu cầu cơ bản của đạo đức, văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Bác kêu gọi giới doanh nhân đoàn kết lại, tham gia vào Công thương cứu quốc đoàn để làm những công việc ích nước lợi dân.
Về trách nhiệm của các cơ quan công quyền đối với sự nghiệp phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân, Bác viết: “Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết”.
TS Vũ Tiến Lộc - Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ: Những tư tưởng, lời chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân trong bức thư trên không phải là sự đánh giá nhất thời, một giải pháp tình thế trong những năm đầu Cách mạng mà là một tư tưởng chiến lược, một chính sách cơ bản lâu dài phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước và vẫn còn nguyên giá trị với giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế hiện nay.
Theo TS Vũ Tiến Lộc, tư tưởng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn được thể hiện ở nhiều bài nói, bài viết của Người liên quan tới doanh nghiệp, doanh nhân.
Trong các bài nói, bài viết này, Bác luôn căn dặn các doanh nhân phải đoàn kết: đoàn kết nội bộ, đoàn kết trên dưới, đoàn kết giữa cán bộ công nhân và đồng bào địa phương; Phải chăm lo đào tạo nguồn nhân lực, phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của cán bộ công nhân viên, đặc biệt, phải chăm lo đến cán bộ và công nhân nữ... Phải phát huy sáng kiến và cải tiến kỹ thuật, tăng cường kỷ luật lao động, phải nâng cao năng suất và thực hành tiết kiệm. Bác dặn phải dân chủ, phải công khai, phải xây dựng và phát huy tốt vai trò của các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp.
Bác phê phán bệnh hội họp quá nhiều cũng như xu hướng chạy theo số lượng trong sản xuất, ít chú trọng chất lượng. Bác dặn sản xuất phải “nhanh, nhiều, tốt, rẻ”, người sản xuất phải thực thà, sản xuất hàng hóa tốt cho đồng bào dùng, không nên trưng bày hàng tốt mà bán hàng xấu.
Bác yêu cầu phải đẩy mạnh phong trào thi đua trong các doanh nghiệp, thường xuyên tổng kết những kinh nghiệm tốt, những điển hình hay để nhân rộng trong cả nước. Bác thường xuyên nhắc nhở phải nhìn ra nước ngoài để học tập kinh nghiệm của các nước tiên tiến trong quản lý sản xuất...
“Những chỉ dẫn cụ thể đó của Bác vẫn đang có ý nghĩa thời sự đối với việc cả việc điều hành kinh tế vĩ mô và điều hành doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Bác như đang cùng chúng ta trong sự nghiệp xây dựng đất nước” - TS Vũ Tiến Lộc nói.
Chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Minh Phong nhìn nhận, cùng với sự phát triển của đất nước, sự đổi mới về kinh tế, nhà nước ngày càng khuyến khích làm giàu, sự tự do hoá kinh doanh và mở rộng kinh tế tư nhân - Đặc biệt trong mấy năm gần đây, Việt Nam đã xuất hiện 6 tỉ phú được Forbes bình chọn, trong khi năm 2012 chúng ta chưa có tỉ phú nào.
“Điều này khẳng định chúng ta đang đi đúng xu hướng của thế giới. Nền kinh tế của chúng ta có sự mở rộng tích cực, khuyến khích làm giàu và phát triển kinh tế tư nhân. Điều này cũng khẳng định môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam phù hợp và tạo điều kiện cho các tỉ phú xuất hiện cũng như tôn trọng của cải, làm ăn chính đáng của họ” - TS Nguyễn Minh Phong nói.
Theo TS Nguyễn Minh Phong, sự xuất hiện ngày càng nhiều hơn các tỉ phú cũng khẳng định nỗ lực và tầm vóc của các doanh nghiệp Việt Nam không thua kém các doanh nghiệp nước ngoài.
Khi môi trường tốt, thể chế tốt thì sự nỗ lực của họ cũng được đền đáp. Ông Phong cho rằng, một nền kinh tế mạnh khi có nhiều doanh nghiệp khoẻ, “dân giàu thì nước mạnh”.
Trong những năm gần đây, doanh nghiệp của nhiều tỉ phú ở Việt Nam hướng tới xu hướng mới đó là công nghệ, hướng tới kinh tế sản xuất vật chất và các dịch vụ cấp cao. Đồng thời hướng tới công ăn việc làm và phúc lợi xã hội nhiều hơn, bền vững hơn. Đây là những điểm rất tích cực.