Để bệnh nhân không đơn độc

Phương Linh |

Khánh Hoà - 10 năm trước phòng công tác xã hội xuất hiện ở bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa song hành cùng y bác sĩ chăm lo cho bệnh nhân. Cầu nối thầm lặng ấy đã góp phần trợ lực cho gần 44.100 người bệnh hoàn cảnh khó khăn để họ không đơn độc.

Ngày 22.3, bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa tổ chức lễ kỷ niệm ngày công tác xã hội Việt Nam (25.3) và kỷ niệm 10 năm hoạt động.

Thành lập cuối năm 2013, Phòng Công tác xã hội, bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa là đơn vị đầu tiên của ngành Y tế tỉnh triển khai hoạt động công tác xã hội (CTXH) trong bệnh viện.

Các mạnh thường quân trao hỗ trợ cho 50 bệnh nhân khó khăn đang điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Phương Linh
Các nhà hảo tâm trao hỗ trợ cho 50 bệnh nhân khó khăn đang điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Phương Linh

Hơn 10 năm hoạt động 44.100 bệnh nhân nghèo, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn được các nhà hảo tâm quân hỗ trợ thông qua sự kết nối của các nhân viên CTXH của bệnh viện.

Là đầu mối tiếp nhận, chỉ dẫn, kêu gọi tích cực, Phòng CTXH trở thành cầu nối giữa người cần giúp đỡ và người trao tặng tiền hỗ trợ viện phí, phẫu thuật tim bẩm sinh, can thiệp mạch vành... với số tiền gần 23 tỉ đồng.

Chia sẻ của mạnh thường quân mong lan tỏa thêm những tấm lòng giúp bệnh nhân khó khăn cần giúp đỡ. Ảnh: Phương Linh
Chia sẻ của một nhà hảo tâm mong lan tỏa thêm những tấm lòng giúp bệnh nhân khó khăn cần giúp đỡ. Ảnh: Phương Linh

Chị Trần Thúy Hằng - là một trong số rất đông bệnh nhân chạy thận ở bệnh viện suốt 8 năm qua. Chị chia sẻ: "Không còn người thân nên những năm qua đến viện điều trị tôi luôn nhận được sự tiếp sức của các chị phòng CTXH. Các chị kết nối để các nhà hảo tâm hỗ trợ thêm tiền, hỗ trợ thêm phần thực phẩm... với người bệnh như chúng tôi mỗi món quà như thế là thêm sự sống".

Hơn 10 năm qua, đã có hơn 97.170 phần quà của các nhà hảo tâm trực tiếp trao đến bệnh nhân điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh trị giá hơn 9 tỉ đồng. Phòng CTXH cũng đã tiếp nhận và hỗ trợ viện phí cho 203 bệnh nhân với số tiền gần 370 triệu đồng.

Tri ân các cá nhân có nhiều đóng góp hỗ trợ bệnh nhân khó khăn ở bệnh viện đa khoa Khánh Hòa những năm qua. Ảnh: Phương Linh
Tri ân các cá nhân có nhiều đóng góp hỗ trợ bệnh nhân khó khăn ở Bệnh viện đa khoa Khánh Hòa những năm qua. Ảnh: Phương Linh

Đặc biệt trong quá trình hoạt động nhiều trường hợp bệnh nhân không có tiền để thuê xe chuyển viện hay đưa người thân tử vong về nhà. Trước những hoàn cảnh thương tâm, Phòng CTXH đã kịp thời vận động các nhà hảo tâm trợ giúp. Đến nay đã hỗ trợ xe cho 536 bệnh nhân nghèo, dân tộc thiểu số chuyển viện tuyến trên, xuất viện hay tử vong về nhà với tổng số tiền hơn 570 triệu đồng.

Từ tháng 4.2015 đến nay, Phòng phối hợp tổ chức 56 đợt vệ sinh cá nhân, gội đầu tại giường cho các bệnh nhân nằm lâu là người già, neo đơn, vô gia cư tại các khoa.

Lãnh đạo Bệnh viện trao bảng tri ân các đơn vị có nhiều đóng góp cho công tác xã hội. Ảnh: Phương Linh
Lãnh đạo Bệnh viện trao bảng tri ân các đơn vị có nhiều đóng góp cho công tác xã hội. Ảnh: Phương Linh

Sát cánh cùng bệnh nhân không chỉ là y bác sĩ mà còn là những tình nguyện viên CTXH thầm lặng góp những tấm lòng. Họ vừa kêu gọi vừa bỏ công để bếp ăn từ thiện của bệnh viện đỏ lửa, để mỗi ngày cung cấp từ 360 - 400 suất ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo điều trị trong viện suốt những năm qua.

Để CTXH lan tỏa trong bệnh viện, đến với từng bệnh nhân theo ông Phan Hữu Chính - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa mỗi cán bộ y tế không thể làm tốt được nếu không có những tấm lòng của các nhà hảo tâm.

Dịp này, bệnh viện trao tặng bảng tri ân 59 cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp đã có nhiều đóng góp, hỗ trợ. Các nhà hảo tâm cũng trao tận tay cho 50 bệnh nhân đặc biệt khó khăn đang điều trị tại viện mỗi phần quà 1 triệu đồng.

Và như chia sẻ của bà Đoàn Thị Thùy Loan - Trưởng phòng CTXH, bệnh viện đa khoa tỉnh: "Với những cán bộ ngành y làm nghề CTXH, công việc thầm lặng kết nối thành công cho mỗi bệnh nhân khi khó khăn gặp được tấm lòng hảo tâm giúp đỡ chính là niềm vui nghề. Bởi mỗi người bệnh vào viện đã đau về thể xác, các y bác sĩ là người chữa lành còn với mỗi cán bộ CTXH là "thuốc" tinh thần để mỗi bệnh nhân nghèo cảm thấy mình không đơn độc".

Phương Linh