Đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông để phát triển vùng Tây Nguyên

Mai Hương |

Để phát triển vùng Tây Nguyên, các tỉnh cần đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, tạo thành mạng lưới giữa các vùng.

Đẩy nhanh tiến độ dự án đường cao tốc

Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ nhất, ông Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, Tây Nguyên là vùng giàu tiềm năng, lợi thế phát triển với điều kiện tự nhiên. Tuy nhiên, kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Đặc biệt là mạng lưới kết cấu hạ tầng tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng nhìn chung vẫn còn thiếu và yếu (nhất là hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, hạ tầng số).

Do đó, các tỉnh vùng Tây Nguyên quyết tâm thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội để kết nối vùng Tây Nguyên với các vùng Đông Nam bộ, duyên hải miền Trung.

Đối với tỉnh Lâm Đồng, ông Trần Văn Hiệp cho biết, địa phương đang đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các hồ sơ, thủ tục để khởi công dự án đường cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc (quy mô dài 66km, tổng mức đầu tư 17.200 tỷ đồng) trong năm 2023; khởi công đoạn Bảo Lộc - Liên Khương (quy mô chiều dài 73,7km, tổng mức đầu tư 19.500 tỷ đồng) vào quý I.2024 và quyết tâm hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng vào năm 2026.

Còn ông Hồ Văn Mười - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho rằng, nếu có kết nối giao thông, điều kiện sinh sống của bà con sẽ tốt hơn. Ông Mười lấy ví dụ, chỉ cần một cây cầu, từ TP Gia Nghĩa (Đắk Nông) sang TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) chỉ 65km, khi đó hai địa phương bên cạnh phát triển du lịch sẽ có nhiều cơ hội lưu thông nông sản.

Đó cũng là cơ hội để các tỉnh Tây Nguyên đẩy mạnh phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh; xây dựng chuỗi giá trị nông sản, tập trung vào một số loại nông sản có thế mạnh như cao su, cà phê, sầu riêng…

Đoàn công tác của UBND tỉnh Đắk Lắk khảo sát dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Ảnh: Cao Nguyên
Đoàn công tác của UBND tỉnh Đắk Lắk khảo sát dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Ảnh: Cao Nguyên

Phát triển hạ tầng giao thông

Thời gian qua, vùng Tây Nguyên đã tập trung nguồn lực từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, kết hợp với huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư các công trình giao thông trọng điểm có sức lan tỏa, tạo đột phá chiến lược trong phát triển vùng Tây Nguyên.

Trong đó phải kể đến các tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa - Chơn Thành, Dầu Giây - Liên Khương... mở rộng, nâng cấp các cảng hàng không; đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ như: Quốc lộ 27 (đoạn K’Rông Nô - Phi Nôm), 55, 27C, đường Trường Sơn Đông...

Bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của 5 tỉnh Tây Nguyên, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng cũng cần rất nhiều sự quan tâm lãnh đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là vai trò của Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đề nghị Trung ương sớm xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để huy động các nguồn lực cho vùng Tây nguyên phát triển, nhất là về phát triển hạ tầng giao thông, chương trình ổn định dân di cư tự do; hệ thống thủy lợi, an toàn hồ đập, an ninh nguồn nước; phát triển kinh tế lâm nghiệp...

Hiện nay, tuyến Quốc lộ 27 kết nối các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng, Ninh Thuận (nhất là đoạn từ cầu K’Rông Nô đến ngã ba Liên Khương) hiện xuống cấp trầm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Do đó, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đề nghị Bộ Giao thông vận tải quan tâm ưu tiên đầu tư, nâng cấp đường Quốc lộ 27.

Đa số các lãnh đạo các địa phương đều đồng quan điểm: Để phát triển vùng Tây Nguyên cần đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, tạo thành mạng lưới giữa các vùng mới tạo tính liên kết vùng mạnh mẽ.

Mai Hương