Cơn mưa nặng hạt kéo dài từ buổi sáng vẫn không ngăn được dòng người cả trong và ngoài tỉnh đến dâng hương tưởng nhớ Bác trong ngày Tết Độc lập…

Trong không khí trang nghiêm, lãnh đạo tỉnh, huyện, nhân dân cả trong và ngoài tỉnh đã đặt tràng hoa, thắp hương, dành phút mặc niệm bày tỏ lòng biết ơn đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng đấu tranh, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Thấm nhuần lời dạy của Bác và noi gương truyền thống cách mạng của các thế hệ cha ông đi trước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bạc Liêu nói chung và huyện Vĩnh Lợi nói riêng luôn đoàn kết, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, xây dựng quê hương ngày phát triển, góp phần chung vào công cuộc xây dựng đất nước ngày càng đổi mới.

Bên cạnh tổ chức long trọng lễ tưởng nhớ Bác, huyện Vĩnh Lợi cũng tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa trong dịp 2.9 năm nay như: tổ chức trao Huy hiệu Đảng cho 24 đảng viên, trong đó có 9 đảng viên nhận Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng và 15 đảng viên nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng; lễ tuyên dương tập thể, cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác…

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trương Thanh Nhã, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Lợi cho biết, trong suốt thời gian qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với phát huy truyền thống đạo nghĩa của dân tộc đã trở thành nền nếp của Đảng bộ và nhân dân huyện nhà, trở thành hoạt động thường nhật trong đời sống xã hội. Từ thực tiễn cuộc sống lao động, học tập và làm việc ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo có kết quả thiết thực.

Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Lợi luôn ghi nhận và biết ơn sâu sắc đến các anh hùng liệt sĩ, các mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình có công với nước, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân Vĩnh Lợi đã chiến đấu, hy sinh cho Tổ quốc, cho quê hương. Đặc biệt, với lòng tôn kính và những tình cảm của đảng bộ và nhân dân huyện Vĩnh Lợi đối với Bác Hồ kính yêu, mỗi người dân trên địa bàn huyện luôn ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, xem đó là việc cần phải làm suốt đời và bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Trước đó, nhiều người dân trong, ngoài tỉnh Bạc Liêu dâng lên Bác những sản vật địa phương gọi là mâm cơm dâng Bác với lòng thành kính.

Ông Nguyễn Văn Khoa, người có hơn 50 năm giữ Đền thờ Bác Hồ cho biết, năm nào cũng vậy cứ đến ngày mất của Bác là bà con trong vùng dâng cơm lên Bác. Người dân nơi đây xem Bác là ông, bà của mình nên ngày mất đều kỵ cơm.