Ngày 17.9, trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk - cho biết: UBND tỉnh ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung một số nội dung về việc quy định đơn giá bồi thường, hỗ trợ cây trồng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Cụ thể, đối với cây lâm nghiệp (rừng tự nhiên, rừng trồng) do Nhà nước đầu tư thì sau khi thu hồi để triển khai công trình, dự án thì cơ quan có thẩm quyền phải tổ chức xử lý theo quy định.
Riêng đối với rừng trồng do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư, tài sản sau khi Nhà nước bồi thường triển khai các công trình, dự án, UBND cấp huyện phải xây dựng, phê duyệt và triển khai xử lý tài sản theo nguyên tắc trường hợp giá trị tài sản thu hồi cao hơn chi phí xử lý tài sản, phải tổ chức xử lý theo quy định. Trường hợp giá trị tài sản thu hồi bằng hoặc thấp hơn chi phí xử lý tài sản, cho phép tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được tận thu, tận dụng tài sản.
Nhận định về việc điều chỉnh của UBND tỉnh, ông Dương đánh giá: Việc điều chỉnh, sửa đổi bổ sung về việc tận thu cây lâm nghiệp sau khi nhà nước bồi thường thực hiện các công trình, dự án đã cởi mở hơn Quyết định trước đây. Vì theo Quyết định cũ của UBND tỉnh, đối với tài sản cây trồng của người dân sau khi cơ quan chức năng đền bù thiệt hại phải thu hồi xử lý, bán đấu giá.
Trên thực tế, có thể vườn cây sau đền bù và tổ chức bán đấu giá thì giá trị thấp hơn chi phí đã bỏ ra nên Nhà nước mất thời gian, tốn kém tiền bạc nhưng bà con không được hưởng lợi từ tài sản đã đầu tư.
"Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đề xuất UBND tỉnh thay đổi, điều chỉnh lại quy định hiện hành bằng cách đánh giá tài sản với giá trị thực bằng hoặc thấp hơn chi phí bỏ ra thì Nhà nước cho người dân thu hồi cây lâm nghiệp đó. Tốt nhất, chúng ta nên cho người dân được hưởng lợi, chính sách phải đi vào thực tiễn để giải quyết các vấn đề nhanh, thỏa đáng hơn. Qua đó, tránh việc phát sinh những vấn đề không đáng có như kiện tụng, khiếu nại hoặc gây thất thoát tài sản của Nhà nước" ông Dương nói thêm.