Hơn 10 năm, chưa một lần đến rạp chiếu phim
Chị Trần Hoàng Trang, CN Công ty PouYuen Việt Nam, đang ở trọ tại quận Bình Tân, TPHCM cho biết, mỗi tháng hoặc vài tháng 1 lần, chị đi xem phim tại rạp. Do hay phải tăng ca nên sau giờ làm việc, chị Trang chủ yếu là ở nhà. “Do em chưa có gia đình nên có thời gian đi xem phim. Các anh, chị lớn tuổi sau giờ làm còn lo cho gia đình, con cái thì ít thấy xem phim, kịch”, chị Trang chia sẻ
Chị Nguyễn Thị Thu Hương, CN Công ty Việt Nam Shamho, huyện Củ Chi, TPHCM, thật thà nói: “Chúng tôi không có thời gian xem phim. CN lương ít, tăng ca nhiều, sau giờ làm thì về nhà lo cho gia đình, con cái”. Chị Hương kể, khu vực chị ở (xã Trung An, huyện Củ Chi), cũng có trung tâm thương mại, trong đó có rạp chiếu phim. Thỉnh thoảng, chị dẫn con nhỏ đi chơi một số trò chơi trong trung tâm thương mại, tuyệt nhiên không bao giờ bước chân vào các rạp xem phim. Hơn chục năm qua kể từ ngày rời quê ở tỉnh Quảng Trị vào TPHCM làm việc, sinh sống, chị chưa một lần vào rạp chiếu phim.
Nên tổ chức chương trình văn hóa, nghệ thuật lưu động phục vụ công nhân
Chia sẻ của chị Trang, chị Hương là tình trạng chung của đại đa số CN hiện nay. Hầu hết, sau giờ làm việc và tăng ca, họ đều về nhà hoặc phòng trọ chứ ít đi ra ngoài. CN trẻ chưa có gia đình đi trung tâm thương mại nhưng đa phần là để xem chứ ít khi mua hàng hóa.
Ông Củ Phát Nghiệp - Chủ tịch CĐ Công ty PouYuen Việt Nam - nơi có khoảng 56.000 công nhân cho biết, nhu cầu được vui chơi thể thao, sinh hoạt hoạt động văn hóa của CN là rất lớn. Tuy nhiên, do phải làm việc và tăng ca nên CN rất ít được hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật.
Ở Công ty PouYuen hằng tháng hoặc các dịp lễ, Tết đều có tổ chức các chương trình văn hóa, nghệ thuật trong đó có mời ca sĩ bên ngoài đến “hát mồi” một số bài hát, sau đó CN hát với nhau. Khi CN ở nhà trọ có thể lên mạng xem các chương trình nghệ thuật được phát lại hoặc xem, nghe những bộ phim, bài hát, cải lương mà họ thích. “CN tính toán với hơn 100.000 đồng mua vé xem phim họ có thể mua vài món ăn hay mua nồi lẩu ngồi ăn và tự hát với nhau. Nói chung, nhờ có mạng Internet mà CN còn được nghe, xem các chương trình mà họ ưa thích, dù là phát lại, chứ ở quận Bình Tân, ngoài rạp chiếu phim trong các trung tâm thương mại, thì cũng có rất ít các nơi biểu diễn loại hình nghệ thuật khác”, ông Nghiệp nói.
Ông Nguyễn Phước Đại - Chủ tịch CĐ Công ty Juki Việt Nam (KCX Tân Thuận, quận 7, TPHCM) thì thẳng thắn hơn: “CN còn mải lo làm, lo tăng ca kiếm sống, thời gian, tiền bạc đâu mà hưởng thụ phim ảnh, ca nhạc”. Từ đó ông Đại cho rằng, Nhà nước nên tổ chức các chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật lưu động phục vụ cho CN để cải thiện đời sống tinh thần cho NLĐ.
Đồng tình quan điểm này, ông Lưu Kim Hồng - Chủ tịch CĐ Công ty Nidec Việt Nam (Khu công nghệ cao TPHCM) - nhận xét thẳng thắn, vấn đề chăm lo đời sống tinh thần cho CNLĐ chưa được quan tâm đúng mức. Vì thế, có rất ít chương trình văn hóa nghệ thuật phục vụ cho CN được tổ chức định kỳ. Từ đó, ông Hồng kiến nghị, hằng năm, nhân dịp các ngày lễ như 30.4, 1.5, 2.9 hay Tết Dương lịch, Ban quản lý các KCX&CN, Ban Quản lý Khu công nghệ cao nên tổ chức các chương trình văn hóa, nghệ thuật lưu động phục vụ CN ở trong các KCN, KCX, Khu công nghệ cao của TPHCM.