Kết quả rất tích cực
Trong khuôn khổ Phiên họp thứ 91 của Ủy ban Quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc (CRC), vào các ngày 12 và 13.9 tại Geneva, Thụy Sĩ, đoàn Việt Nam đã đối thoại với Ủy ban CRC về tình hình thực hiện Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em tại Việt Nam.
Phiên đối thoại này được thực hiện trên cơ sở Việt Nam đã nộp Báo cáo quốc gia định kỳ lần thứ 5 và thứ 6 về tình hình thực hiện Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em tại Việt Nam lên Ủy ban CRC và Báo cáo trả lời danh sách các câu hỏi của Ủy ban CRC đối với Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà - trưởng đoàn Việt Nam - cho biết, tại phiên họp thứ 91 này, Ủy ban CRC đã đánh giá rất cao quá trình chuẩn bị nghiêm túc của Việt Nam đối với Báo cáo quốc gia định kỳ lần thứ 5 và thứ 6 về tình hình thực hiện Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em và Báo cáo trả lời danh mục các nội dung quan tâm của Ủy ban CRC.
Các thành viên Ủy ban CRC đều hoan nghênh thành tựu của Việt Nam, thể hiện qua quá trình xây dựng luật pháp, xây dựng chính sách cũng như các biện pháp thực hiện của Việt Nam trong lĩnh vực quyền trẻ em.
Trong phiên họp, các thành viên Ủy ban CRC đã đưa ra hàng trăm câu hỏi đối với Việt Nam. Đoàn Việt Nam cũng đã trao đổi trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, trọng tâm và cũng rất đầy đủ với các thành viên Ủy ban CRC.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, việc các thành viên Ủy ban CRC đưa ra nhiều câu hỏi như vậy cũng thể hiện sự quan tâm đối với các thành tựu cũng như những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt để hướng tới giúp Việt Nam làm tốt hơn nữa việc thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em theo tinh thần của Công ước Liên Hợp Quốc.
Đây cũng là cơ hội để đoàn Việt Nam thông tin, trao đổi lại để làm rõ thêm một số vấn đề mà Ủy ban CRC quan tâm.
"Có thể nói, đánh giá chung về kết quả báo cáo và các kết quả đạt được lần này của Việt Nam là rất tích cực" - Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà khẳng định.
Về các bước tiếp theo để thực hiện những khuyến nghị của Ủy ban CRC sau phiên đối thoại, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, sau kỳ họp lần này, Việt Nam sẽ có khoảng 4-5 năm để triển khai các khuyến nghị mà Ủy ban CRC đưa ra.
Trên cơ sở kinh nghiệm của các chu kỳ trước đây, trong thời gian tới, các bộ/ngành liên quan, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm đầu mối chủ trì, sẽ phân tích, đánh giá về các khuyến nghị của Ủy ban CRC, từ đó, xây dựng thành chương trình hành động trình lên Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở tham vấn tất cả các bên liên quan.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nêu rõ: "Trên cơ sở Chương trình hành động này, chúng ta cũng sẽ có rà soát/giám sát và đánh giá việc thực hiện các khuyến nghị, chương trình hành động, trong đó có các vấn đề về xây dựng luật pháp, xây dựng chính sách, biện pháp triển khai cụ thể. Đây là các bước chúng ta đã làm trong các chu kỳ báo cáo trước và cách làm này được Ủy ban CRC đánh giá rất cao. Chúng ta cũng sẵn sàng hợp tác với các nước, các cơ quan Liên Hợp Quốc trong quá trình triển khai các khuyến nghị, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong tiến trình này".
Việt Nam đạt kết quả toàn diện
Tại Geneva, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam cho biết thêm, trong kỳ báo cáo lần này, Ủy ban CRC đánh giá Việt Nam đạt được kết quả toàn diện.
Thứ nhất, Ủy ban CRC đánh giá cao Việt Nam về những tiến bộ trong xây dựng và sửa đổi luật pháp, đặc biệt là Luật Trẻ em năm 2016 so với Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em năm 2004.
Luật Trẻ em 2016 đã quy định rộng hơn các nội dung về quyền trẻ em, đồng thời phạm vi áp dụng của hầu hết các điều khoản cũng đã được mở rộng (các quyền của trẻ em không chỉ được bảo đảm đối với công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam).
Luật Trẻ em năm 2016 cũng đưa ra một cơ chế rõ ràng hơn cho công tác lập kế hoạch và giám sát việc thực hiện quyền của trẻ em ở tất cả các cấp quản lý, đồng thời đảm bảo phân bổ các nguồn lực thích hợp cho việc bảo đảm thực hiện quyền của trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em.
Thứ hai, Ủy ban cũng đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc gắn phát triển kinh tế với phát triển xã hội và phát triển bền vững.
Chính phủ không chỉ tập trung vào phát triển kinh tế mà còn chú trọng phát triển xã hội, trong đó có các vấn đề mật thiết liên quan đến trẻ em như giáo dục đào tạo, y tế, xóa đói giảm nghèo... nhằm đảm bảo quyền con người nói chung và quyền trẻ em nói riêng.
Thứ ba, Ủy ban quan tâm tới các vấn đề mới liên quan đến quyền trẻ em trong bối cảnh có nhiều thay đổi. Ví dụ như vấn đề biến đổi khí hậu, suy thoái kinh tế thế giới ảnh hưởng không nhỏ đến sinh kế và đời sống nhân dân cũng như việc thực hiện các vấn đề liên quan đến trẻ em và thực hiện quyền của trẻ em ở Việt Nam.
Đặc biệt từ năm 2020, đại dịch COVID-19 diễn ra trên toàn thế giới đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam, trong đó có việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em.
Cục trưởng Đặng Hoa Nam cho biết, việc Việt Nam tham gia tích cực vào cơ chế đối thoại của Ủy ban CRC và thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban CRC rất có ý nghĩa với việc thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam.
Trước hết, sự tham gia nghiêm túc của Việt Nam trong cơ chế đối thoại của Ủy ban CRC thể hiện việc Việt Nam đã thực hiện một cách có trách nhiệm nghĩa vụ của một quốc gia thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em.
Từ quá trình tham vấn và xây dựng báo cáo quốc gia, đối thoại với Ủy ban CRC, xem xét, chấp thuận và triển khai các khuyến nghị thông qua Chương trình hành động của Chính phủ, Việt Nam đã thể hiện là một nước thành viên tích cực và có trách nhiệm trong việc thực hiện Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em, góp phần triển khai đường lối đối ngoại chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước.
Ý nghĩa thứ hai là qua quá trình này, Việt Nam cũng chia sẻ được với các thành viên của Ủy ban CRC và với các quốc gia khác kinh nghiệm trong quá trình thúc đẩy và bảo đảm quyền trẻ em.
Đồng thời, trong quá trình thực hiện, Việt Nam cũng có cơ hội được trao đổi với Ủy ban về các vấn đề, thách thức cần phải vượt qua, đồng thời học hỏi được nhiều kinh nghiệm của quốc tế để có thể làm tốt hơn công tác này ở trong nước.
Qua quá trình này, Việt Nam cũng tiếp thu được nhiều kinh nghiệm để đưa vào các kế hoạch, chiến lược biện pháp cụ thể để quá trình triển khai làm sao đảm bảo tốt hơn quyền trẻ em ở Việt Nam.
Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em là công ước quốc tế toàn diện nhất bảo vệ và thúc đẩy quyền trẻ em. Ngày 20.11.1989, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Công ước quốc tế về Quyền trẻ em. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trên thế giới đã ký và phê chuẩn công ước này (ký ngày 26.1.1990 và phê chuẩn ngày 28.2.1990).