Tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19: Nỗi đau và trách nhiệm

NHÓM PV |

Đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mệnh của hơn 23.400 người dân Việt Nam. Tưởng niệm để nhắc nhớ về nỗi đau và trách nhiệm, nhìn lại những ngày đau thương của dịch bệnh để biết quý trọng những ngày an lành của hiện tại, sống có ích, có trách nhiệm hơn trong tương lai.

Đi qua đau thương 

Dịch COVID-19 bùng phát đợt thứ 4 đến nay đã lấy đi hàng chục nghìn sinh mạng, khiến nhiều gia đình bị mất đi người thân... mà không thể nhìn mặt nhau lần cuối, không được tổ chức một lễ tang trọn vẹn. Hàng chục nghìn gia đình vĩnh viễn mất đi người thân yêu, hàng nghìn trẻ mồ côi cha, mẹ và những hình ảnh đau đớn đến tận cùng của những người chồng, người vợ, người con, người anh, người chị khi chỉ có thể tiếp nhận kỷ vật thân nhân của mình.

Tính đến 18.11, đại dịch COVID-19 đã cướp đi 23.476 sinh mạng người Việt. Trong số đó, riêng ở đợt dịch thứ tư, hơn 17.000 người ở TPHCM đã ra đi mãi mãi. Tối 19.11, các hoạt động tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch được diễn ra ở khắp mọi nơi trên cả nước. Tại TPHCM - nơi gánh chịu nhiều đau thương và mất mát nhất, Lễ tưởng niệm đồng loạt diễn ra tại Hội trường Thống Nhất - quận 1; TP.Thủ Đức và các quận huyện.

Còn tại TP.Hà Nội, lễ tưởng niệm diễn ra tại công viên Thống Nhất. Đúng 20h30 phút, các cơ sở tôn giáo (chùa, nhà thờ...) tại TPHCM cùng đánh chuông tưởng niệm, nhiều quận huyện cũng tổ chức thả đèn hoa đăng trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và kênh Tàu Hủ - Bến Nghé vào lúc 20h35.

Đến dự lễ tưởng niệm tại Ban trị sự Giáo hội Phật giáo quận 3 vào sáng 19.11, bồi hồi nhớ lại cuộc gọi lúc 3h sáng của ngày định mệnh, Quan Tố Uyên (14 tuổi, quận 3, TPHCM) vẫn không giấu nổi cảm xúc khi nhận được tin ba qua đời vì COVID-19. Với Uyên và mẹ, đó là cuộc gọi mà cô mãi mãi không mong đợi. Giờ đây, mỗi lần nghĩ về ba, Uyên chỉ biết cố gắng học giỏi để cho mẹ vui, cùng với mẹ đi chùa để tụng kinh cho ba.

Những ngày TPHCM ở đỉnh dịch, không biết bao nhiêu gia đình đã rơi vào tình cảnh tương tự. Đó cũng là lúc cả 6 thành viên trong gia đình của Tiền Định (15 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức, TPHCM) đều không may mắc bệnh. Gia đình vốn phụ thuộc vào hàng bánh canh của người mẹ, bởi ông Võ Văn Đức - bố của Tiền Định - mang căn bệnh tai biến, chỉ có thể mở hàng nước bán trước nhà, kiếm chút tiền qua ngày. Trụ cột chính trong gia đình ra đi, cũng là lúc gánh nặng và áp lực dồn lại lên những "người ở lại".

Song không vì thế mà 5 bố con chịu bỏ cuộc trước số phận. Giờ đây, khi tình hình dịch bệnh ổn định, Tiền Định sáng ở nhà học, tối đi làm thêm để kiếm tiền đi đóng học phí. Dù mới chỉ ở ngưỡng tuổi 15, nhưng ngần ấy khó khăn cũng không làm Tiền Định nhụt chí.

Còn vợ anh Nguyễn Quốc Thái (ngụ đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh) mất trong những ngày đầu tháng 8. Lúc trước khi mất, vợ anh Thái làm tổ phó của tổ 81A, Khu phố 6, phường 26. Công việc của chị vào những ngày hè tháng 7 giống như những cán bộ địa phương khác là đi tới tận nhà phát quà, hỗ trợ lương thực thực phẩm cho hộ có hoàn cảnh khó khăn, rồi vận động giúp đỡ người dân đăng ký tiêm vaccine COVID-19. Đó cũng là những ngày cuối đời đầy ý nghĩa của chị. Lần cuối cùng anh Thái được gặp vợ là giây phút anh đưa vợ qua ngưỡng cửa bệnh viện.

"Xung quanh tôi, nhiều người cũng mất người thân ở đợt dịch này. Không được chăm sóc, không được nhìn người thân phút cuối, không được tổ chức tang lễ đúng nghi thức phong tục, đó là những tổn thất không dễ bù đắp... Tôi biết nỗi đau rồi sẽ phải bước qua, cuộc sống rồi sẽ phải đi tới, tôi còn 3 đứa con, đứa lớn đã đi làm cũng đỡ đần được giúp bố, nhưng còn 2 đứa nhỏ vẫn còn đi học, mình phải cố gắng thôi" - anh Thái giãi bày.

Dù đã trải qua nhiều đau thương, mất mát, không ít cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trên mặt trận chống dịch nhưng đến nay TPHCM vẫn còn hàng vạn người đang xông pha nơi tuyến đầu, đối mặt với nguy hiểm. Những con người quên thân mình nơi tuyến đầu chống dịch vẫn luôn là niềm tự hào của gia đình và hàng triệu người dân thành phố. Đó là tấm gương của các bác sĩ, chiến sĩ, lực lượng tình nguyện viên, cán bộ… đã "ngã xuống" vì dịch bệnh, bảo vệ sự bình yên cho nhân dân.

Trách nhiệm với xã hội

Đau thương và mất mát, song cũng đã có không ít người được trở về từ sau ranh giới giữa sự sống và cái chết, nhờ sự nỗ lực và hy sinh không ngừng nghỉ của đội ngũ y bác sĩ... Với họ những giờ phút vượt qua COVID-19 sẽ là những thước phim không bao giờ quên. 

Chị Lê Thụy Ngọc Anh (quận 8, TPHCM) - một bệnh nhân đã vượt qua COVID-19 - chia sẻ đã cầu nguyện và nghĩ tới gia đình rất nhiều, nghĩ trong đầu là cố gắng vượt qua và mong mọi người cùng chung tay thực hiện tốt quy định về phòng, chống dịch để toàn dân trở lại cuộc sống bình thường mới. Đó là khi anh Hữu Lợi (quận 10, TPHCM) sau khi chữa khỏi bệnh đã tình nguyện ở lại khu cách ly để hỗ trợ công tác điều trị…

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài cho biết: Không chỉ là nén tâm nhang dành cho những người đã khuất, Lễ tưởng niệm cũng là lời cảnh tỉnh, nhắc nhớ tất cả chúng ta về nỗi đau và trách nhiệm. Dịch bệnh không loại trừ ai. Chúng ta phải thức tỉnh, thay đổi và thích ứng để bảo vệ cuộc sống của chính mình, của người thân và của đồng bào mình. 

NHÓM PV