Muốn tìm việc mới thu nhập cao hơn
Đã hơn 1 tháng từ khi về quê nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn nhưng anh Bàn Văn Nam (tên đã thay đổi) ở huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) vẫn chưa quay lại làm việc tại nhà máy sản xuất giày ở Bắc Giang. Ở vùng quê miền núi này, không chỉ riêng anh Nam có tâm lý như vậy.
“Tôi đang đợi người bạn giới thiệu cho công việc khác với mức lương cao hơn. Ở quê vẫn còn nhiều lễ hội đang diễn ra nên cũng muốn xem, truyền thống của dân mình rồi” - anh Nam chia sẻ.
Tuy không trở lại với công việc cũ tại nhà máy linh kiện điện tử trong khu công nghiệp Yên Bình (Thái Nguyên) nhưng anh Hoàng Tiến Lâm (TP Tuyên Quang) đã bắt tay ngay vào với công việc mới ở gần nhà. Sau Tết, anh Lâm tìm tới phiên giao dịch việc làm của thành phố tổ chức để tìm cơ hội việc làm.
Anh Lâm cho hay: “Tôi hơn 40 tuổi rồi nên không muốn đi làm xa nhà nữa. Sau nghỉ Tết hơn 1 tuần tôi đã đi tìm công việc mới. Rất may qua phiên giao dịch việc làm đầu năm tôi tìm được công việc tại công ty sản xuất gỗ cách nhà hơn 7km, đi lại thuận tiện mà thu nhập cũng ngang với công việc cũ, thế là đi làm ngay”.
Những năm gần đây các cụm công nghiệp ở Tuyên Quang đã thu hút nhiều dự án đầu tư trên nhiều ngành nghề, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hàng vạn lao động.
Kết nối việc làm hiệu quả
Để kết nối cung cầu lao động ngay từ những tháng đầu năm, các chương trình như ngày hội, phiên giao dịch việc làm được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tuyên Quang tổ chức ngay sau nghỉ Tết để tư vấn, giới thiệu những việc làm mới cho NLĐ. Cũng tại các sự kiện này doanh nghiệp sẽ trực tiếp gặp gỡ NLĐ đưa ra những yêu cầu cũng như chế độ đãi ngộ để thu hút lao động.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Chính - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tuyên Quang - cho biết, ngày hội việc làm dành cho lao động xa quê là một trong những hình thức tư vấn, giới thiệu việc làm mới được triển khai trong dịp đầu năm với hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Đối tượng hướng tới là lao động về quê nghỉ Tết chưa đi làm lại và cả lao động đang làm việc tại các tỉnh xa có nhu cầu tìm việc mới.
“Không chỉ tư vấn trực tiếp, chúng tôi kết nối NLĐ và các doanh nghiệp bằng hình thức trực tuyến tại nhiều điểm cầu ở các tỉnh thành. Việc này được kỳ vọng sẽ giúp NLĐ có cơ hội tìm hiểu về nhu cầu việc làm ngay tại quê nhà, từ đó có quyết định công việc phù hợp” - ông Nguyễn Đức Chính thông tin.
Theo bà Lý Thị Hải Hiền - Trưởng phòng Lao động (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang), trong năm 2024 toàn tỉnh đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho 22.500 lao động. Con số này được đánh giá là hoàn toàn khả quan bởi nhu cầu việc làm của NLĐ trong tỉnh hiện khá lớn, riêng trong năm 2023, địa phương đã giải quyết việc làm cho gần 26.000 lao động.
“Ngay từ đầu năm chúng tôi đã quyết liệt các giải pháp tạo việc làm, kết nối cung cầu lao động bởi năm 2024 được dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ có những khó khăn nhất định. Công tác đôn đốc, rà soát việc làm, nắm bắt tình hình lao động được chỉ đạo tới từng huyện, thành phố để có số liệu lao động mất việc làm, chưa tìm được việc làm để có những giải pháp kịp thời” - bà Hải cho hay.