Làng xóm hòa thuận nhờ có tổ hòa giải
Các tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang hoạt động có hiệu quả, từng bước tháo gỡ những xích mích trong cuộc sống của người dân, vun đắp, tạo sự gắn kết trong xóm làng.
Vừa qua, gia đình anh H và gia đình anh Th ở thành phố Gia Nghĩa, xảy ra tranh chấp lối đi xuống hồ tưới nước. Cụ thể, vào thời điểm giá đất lên cao, anh Th tạọ view hồ, bịt kín lối đi khiến gia đình anh H không có lối đi xuống hồ để tưới cho cây trồng.
Do đó, giữa hai gia đình đã xảy ra tranh cãi nhiều ngày, thậm chí gia đình anh H đã chuẩn bị đơn gửi lên chính quyền. Sau khi nắm bắt sự việc, tổ hòa giải địa phương đã đi tới từng nhà để phân tích lý, tình. Đứng trước tình làng nghĩa xóm, anh Th đã nhượng bộ, hai bên đã chủ động làm hòa, tình làng nghĩa xóm không bị sứt mẻ.
Tại huyện Đắk R’lấp, bà S đã có đơn khiếu nại gửi tới cơ quan chức năng về việc ông D trong quá trình làm nhà đã lấn sang đất nhà bà. Ngay sau đó, tổ hòa giải cơ sở ở địa phương đã khẩn trương vào cuộc. Nhờ đó, hai bên đã thống nhất phương án đền bù, mâu thuẫn lâu nay được gỡ bỏ, vun đắp tình cảm xóm giềng.
Trong năm 2023, các tổ hòa giải ở cơ sở tại Đắk Nông đã thụ lý 550 vụ việc và đã hòa giải thành công 409 vụ việc (đạt 76,6%). Hầu hết các vụ việc hòa giải liên quan đến xích mích nhỏ, tranh chấp đất đai trong cộng đồng như: tranh chấp lối đi, ranh giới…
Toàn tỉnh xây dựng được 745 tổ hòa giải
Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh Đắk Nông đã xây dựng được 715 tổ hòa giải với tổng số 4.008 hòa giải viên. Các tổ hòa giải được cơ cấu hòa giải viên đúng thành phần theo quy định bao gồm: Bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận thôn, hội nông dân, hội phụ nữ, cựu chiến binh và những người có uy tín tại địa bàn.
Theo đánh giá của Sở Tư pháp, sau 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, các cấp, các ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã quán triệt, triển khai thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả.
Số vụ hòa giải ngày càng tăng đã hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương trong việc giải quyết trực tiếp những vụ việc vi phạm pháp luật, tranh chấp nhỏ trong nhân dân. Ngoài việc hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp còn góp phần lớn trong việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Cũng theo Sở Tư pháp tỉnh Đắk Nông, để công tác này đạt hiệu quả cao hơn, trong thời gian tới tỉnh sẽ quan tâm chỉ đạo các địa phương xác định rõ công tác này là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò của người đứng đầu trong chỉ đạo và tổ chức, khuyến khích các cá nhân có năng lực, uy tín tham gia.
Đặc biệt, tỉnh sẽ quan tâm công tác phổ biến, tuyên truyền các văn bản pháp luật mới ban hành, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên tại cơ sở.