Tiền quyên góp, từ thiện của CLB Tình Người tăng gần 70 lần trong 4 năm

TRẦN TUẤN - PHAN LOAN |

Năm 2015, số tiền quyên góp, từ thiện của CLB Tình Người (CLB Tình Người) là 688 triệu đồng. Đến năm 2019, con số này đạt ngưỡng 46,7 tỉ đồng, tức tăng gần 70 lần.

"Tiền từ thiện vào CLB Tình Người chỉ thành viên chủ chốt mới biết"

Mới đây, UBND quận Cầu Giấy đã có báo cáo tới UBND TP.Hà Nội về hoạt động của CLB Tình Người trên địa bàn quận này. Theo báo cáo, CLB Tình Người mở nhiều lớp - nhóm chia sẻ về giá trị cuộc sống, nhân đạo, tình thương, con người, hướng thiện,... tại trụ sở của CLB, có địa chỉ trên đường Dương Đình Nghệ (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội). Người tham gia được phép ghi âm nhưng không được phép ghi hình, chụp ảnh tại các buổi chia sẻ.

Quá trình tiếp nhận cộng tác viên mới vào CLB thì buộc phải có thành viên cũ giới thiệu.

Các tài liệu của CLB phát ra cho học viên học, sau đó được thu lại. Cộng tác viên khi sinh hoạt tại các lớp chia sẻ không được phép tự ý xin số điện thoại cá nhân của nhau.

Cũng theo báo cáo của UBND quận Cầu Giấy, CLB Tình Người sử dụng hình ảnh, uy tín của một số cán bộ đã nghỉ hưu, cán bộ có chức vụ trong các cơ quan Nhà nước và người có điều kiện về tài chính tham gia một số chương trình để làm công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh. Đáng chú ý, hiện nay có một số cộng tác viên tham gia tích cực tại CLB là chỉ huy, nguyên chỉ huy trong lực lượng Công an và cơ quan trọng yếu của Nhà nước.

Bên trong trụ sở CLB Tình người. Ảnh: Phan Loan.
Bên trong trụ sở CLB Tình người. Ảnh: Phan Loan.

CLB này cũng đề ra các chương trình tạo phúc, khuyến khích các cộng tác viên hằng ngày thắp hương cúng tại nhà riêng và dâng lễ bằng tiền thật. Đến tháng 7 âm lịch hằng năm, CLB khuyến khích nên dùng toàn bộ số tiền thật tích được trên bàn thờ mang đi làm từ thiện tại chùa hoặc tại CLB. Ngoài ra, còn hoạt động kinh doanh bán các sản phẩm (bên ngoài trụ sở) là đồ thờ bằng đồng cho các cộng tác viên tham gia trong CLB với giá cao hơn thị trường.

Về nguồn tiền từ thiện từ các cộng tác viên đóng góp cho Câu lạc bộ và số tiền kinh doanh đồ thờ cúng, báo cáo của quận Cầu Giấy cho biết: "Chỉ có thành phần chủ chốt của Câu lạc bộ mới biết chính xác".

UBND quận Cầu Giấy cũng nhận định phần lớn cộng tác viên sau khi tham gia các buổi chia sẻ và hoạt động của CLB thường có xu hướng không quan tâm đến công việc, gia đình mà chỉ tập trung vào các chương trình, hoạt động do CLB tổ chức, sử dụng tài sản của gia đình vào các hoạt động của CLB.

Tiền từ thiện tăng gần 70 lần qua 4 năm.

CLB Tình Người, tiền thân là Chi hội tán trợ chữ thập đỏ Tình Người, thành lập ngày 25.5.2011, trực thuộc Hội Chữ thập đỏ TP.Hà Nội.

Theo tài liệu chúng tôi thu thập được, từ năm 2015 - 2019, Chi hội tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người vận động được và sử dụng gần 111 tỉ đồng cho hoạt động từ thiện. Đáng chú ý, số tiền chi hội này vận động quyên góp được qua các năm tăng theo cấp số nhân. Nếu như năm 2015 chỉ là hơn 688 triệu đồng thì năm 2017 tăng lên gần 22 tỉ, năm 2019 đạt 46,7 tỉ đồng (tăng gần 70 lần so với năm 2015). Việc thu, chi tài chính đều có sổ sách theo dõi và được Hội Chữ thập đỏ Thành phố Hà Nội kiểm tra hằng năm.

Quá trình hoạt động vẫn diễn ra bình thường, bỗng nhiên ngày 10.7.2019, Chi hội tán trợ chữ thập đỏ Tình Người có đơn xin dừng hoạt động chữ thập đỏ và không trực thuộc Hội chữ thập đỏ Hà Nội nữa. Lý do được chi hội này nêu ra là: “Càng phát triển trong công tác chữ thập đỏ, Chi hội càng thấy một số điểm không phù hợp” nhưng lại không thấy nêu cụ thể các điểm không phù hợp là như thế nào.

Trước khi xin rút khỏi Hội Chữ thập đỏ Hà Nội, CLB Tình Người vận động và sử dụng hàng trăm tỉ đồng cho mục đích từ thiện. Ảnh: Trần Tuấn.
Trước khi xin rút khỏi Hội Chữ thập đỏ Hà Nội, CLB Tình Người vận động và sử dụng hàng trăm tỉ đồng cho mục đích từ thiện. Ảnh: Trần Tuấn.

Chỉ sau thời gian ngắn rời khỏi Hội Chữ thập đỏ Hà Nội, ngày 30.7.2019, Chi hội Tán trợ đổi tên gọi thành Câu lạc bộ Tình Người, trực thuộc Công ty TNHH Phát triển Trí tuệ cộng đồng.

Đáng chú ý, Công ty TNHH Phát triển Trí tuệ cộng đồng chỉ mới đi vào hoạt động cách đó 2 tuần, tức giữa tháng 7.2019. Và, 6 thành viên góp vốn vào công ty là ông Kim Bình Trọng, bà Phạm Thị Bình, ông Nguyễn Vinh Hiển, ông Trần Ngọc Việt, ông Nguyễn Văn Điệp, bà Trần Hoàng Lan đều nằm trong Ban chấp hành của CLB Tình Người. Trong đó, ông Kim Bình Trọng làm Chủ tịch Câu lạc bộ; ông Trần Ngọc Việt và ông Nguyễn Vinh Hiển làm Phó Chủ tịch Câu lạc bộ.

Ai sẽ giám sát thu - chi minh bạch?

Trao đổi với PV Báo Lao Động luật sư La Văn Thái (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, thời điểm vẫn trực thuộc Hội chữ thập đỏ TP.Hà Nội, việc thu chi của CLB Tình Người được giám sát chặt chẽ nên sẽ không để xảy ra tình trạng thất thoát, trục lợi. Bất thường ở chỗ, sau đó, những người cầm đầu đã tách ra lập CLB mới trực thuộc công ty do chính họ quản lý thì ai sẽ là người kiểm tra, giám sát việc thu - chi minh bạch, đúng pháp luật.

"Từ thiện thì mọi cá nhân, tổ chức, kể cả các tổ chức nằm ngoài danh sách được kêu gọi từ thiện theo quy định của Nghị định 64/2008, đều có thể kêu gọi được (áp dụng các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 - PV). Tuy vậy, hiện đang có lỗ hổng về vấn đề quản lý, giám sát sao cho công khai, minh bạch tiền từ thiện được kêu gọi từ nhóm đối tượng này", luật sư Thái nói.

TRẦN TUẤN - PHAN LOAN
TIN LIÊN QUAN

Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Định: Trước và sau khi ghi danh tầm nhân loại

BÙI QUANG THANH |

Nam Định là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, văn hiến và đấu tranh cách mạng, đất phát tích của vương triều Trần và nhiều danh tướng khác làm rạng danh sử sách non sông. Nam Định còn được coi là nơi phát sinh, hội tụ, lan tỏa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ/tứ phủ của người Việt, được UNESCO xét duyệt và ghi danh vào danh mục “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” vào tháng 12.2016.

Mạo danh nhà chùa, trục lợi bạc tỉ: Lật tẩy chiêu trò bán vật phẩm tâm linh

NHÓM PV LAO ĐỘNG |

Với chiêu thức mạo danh nhà chùa, một nhóm đối tượng đã yêu cầu người dân phải nhận các vật phẩm tâm linh với giá từ vài trăm ngàn đồng đến tiền triệu. PV Báo Lao Động đã có nhiều tháng thâm nhập trong vai nhân viên và tận thấy chiêu trò lừa đảo, biến hóa đầy tinh vi của hình thức trục lợi tâm linh.

Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Định: Trước và sau khi ghi danh tầm nhân loại

BÙI QUANG THANH |

Nam Định là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, văn hiến và đấu tranh cách mạng, đất phát tích của vương triều Trần và nhiều danh tướng khác làm rạng danh sử sách non sông. Nam Định còn được coi là nơi phát sinh, hội tụ, lan tỏa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ/tứ phủ của người Việt, được UNESCO xét duyệt và ghi danh vào danh mục “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” vào tháng 12.2016.

Mạo danh nhà chùa, trục lợi bạc tỉ: Lật tẩy chiêu trò bán vật phẩm tâm linh

NHÓM PV LAO ĐỘNG |

Với chiêu thức mạo danh nhà chùa, một nhóm đối tượng đã yêu cầu người dân phải nhận các vật phẩm tâm linh với giá từ vài trăm ngàn đồng đến tiền triệu. PV Báo Lao Động đã có nhiều tháng thâm nhập trong vai nhân viên và tận thấy chiêu trò lừa đảo, biến hóa đầy tinh vi của hình thức trục lợi tâm linh.