Chiều ngày 29.10, tại Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Kiên Giang, UBND tỉnh Kiên Giang long trọng tổ chức phiên thứ nhất Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Kiên Giang lần thứ IV năm 2024 (gọi tắt là Đại hội).
Đại hội có chủ đề “Cộng đồng các dân tộc thiểu số tỉnh Kiên Giang đoàn kết, quyết tâm đẩy mạnh chiến lược chuyển đổi số góp phần phát huy lợi thế, tiềm năng để hội nhập và phát triển”.
Theo báo cáo tại Đại hội, toàn tỉnh Kiên Giang có trên 1,7 triệu dân số, trong đó có hơn 261.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (chiếm 14,9 % dân số của tỉnh). Kiên Giang là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer đứng hàng thứ ba trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, chiếm 13,19% (sau tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh). Đồng bào người Hoa chiếm tỉ lệ 1,69 %; các dân tộc thiểu số khác (Chăm, Tày, Nùng… ) chiếm tỉ lệ 0,06% trên tổng dân số.
Trong giai đoạn 2019 – 2024, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều thay đổi tích cực, đời sống mọi mặt được nâng lên, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 2,4%, cận nghèo 3,64%.
Thực hiện chính sách tín dụng bằng nhiều nguồn vốn Trung ương, tỉnh đã hỗ trợ cho đồng bào vay vốn phát triển kinh tế - đời sống, giảm nghèo: hỗ trợ cho hơn 6.000 lượt hộ vay vốn để phát triển sản xuất với số tiền hơn 30,6 tỉ đồng, các chương trình tín dụng khác đã cho gần 20.000 lượt đồng bào vay để sản xuất kinh doanh với số tiền gần 240 tỉ đồng.
Thực hiện cấp hơn 357.000 lượt thẻ bảo hiểm y tế cho người dân ở các xã thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn trong tỉnh, với kinh phí trên 206 tỉ đồng. Tỉnh Kiên Giang đã bố trí ngân sách 250 tỉ đồng để nâng cấp mở rộng 16 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung phục vụ cho hơn 6.900 hộ có nước sạch sử dụng.
Hiện nay toàn tỉnh có 26 điểm trường phổ thông các cấp dạy tiếng Khmer cho học sinh dân tộc thiểu số. Mỗi năm có khoảng 60 điểm chùa tổ chức dạy chữ dân tộc thiểu số trong dịp hè với khoảng 240 lớp và gần 6.000 học sinh theo học. Hơn 3.400 học viên là người dân tộc thiểu số tham gia học nghề và giải quyết việc làm.
Đầu tư xây dựng 244 công trình kết cấu hạ tầng bao gồm cầu, đường giao thông nông thôn, trạm xá, trường học, hệ thống thủy lợi… với kinh phí gần 672 tỉ đồng. Phân bổ trên 1.360 tỉ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia: giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay toàn tỉnh có 37/41 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận là xã nông thôn mới.
Phiên làm việc thứ hai Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Kiên Giang lần thứ IV, năm 2024 sẽ khai mạc vào sáng ngày mai 30.10.