Tại hội nghị, ông Lê Đình Quảng trình bày về sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Công đoàn. Theo ông Quảng, Luật Công đoàn là cơ sở pháp lý quan trọng về tổ chức và hoạt động công đoàn thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội của đất nước trong những năm qua.
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, đã xuất hiện các yêu cầu đòi hỏi phải sửa đổi toàn diện Luật Công đoàn. Trong đó 3 vấn đề chính gồm: Yêu cầu từ yêu cầu khắc phục một số hạn chế, bất cập của Luật Công đoàn, đáp ứng hoạt động của tổ chức công đoàn trong tình hình mới; Yêu cầu từ thể chế hóa Hiến pháp 2013, các chủ trương, nghị quyết của Đảng và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Cuối cùng là, yêu cầu từ hội nhập quốc tế.
Cũng theo ông Lê Đình Quảng, mục đích của việc sửa đổi Luật Công đoàn lần này nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn 10 năm thi hành Luật Công đoàn; tiếp cận và xử lý các vấn đề mới phát sinh mà Luật chưa điều chỉnh.
Tại phiên thảo luận, đại diện Liên đoàn Lao động các tỉnh đều đồng tình với việc sửa đổi Luật Công đoàn. Đa số ý kiến đều cho rằng việc sửa đổi Luật Công đoàn là hết sức cần thiết.
Ông Lê Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng cho rằng, sửa đổi Luật Công đoàn là việc bắt buộc. Theo ông Phúc, thông thường, từ 10 - 15 năm, một bộ luật sẽ được sửa đổi bổ sung. Trong năm 2012, Luật Công đoàn nằm trong khoảng thời gian chung của các luật khác mà Quốc hội sửa đổi.
"Vấn đề bắt buộc sửa đổi Luật Công đoàn là vì chúng ta đã gia nhập các Điều ước quốc tế. Không sửa đổi không được. Còn những vướng mắc khác có thể kéo dài được, nhưng riêng nội dung này không thể kéo dài được nữa" - ông Lê Ngọc Phúc bày tỏ quan điểm.
Bà Nguyễn Ngọc Huyền - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Phú Yên bày tỏ quan điểm về chế độ, chính sách của bảo hiểm xã hội. Theo bà Huyền, Phú Yên là một tỉnh nhỏ và ít công nhân lao động so với các địa phương khác trên cả nước cũng như trong khu vực miền Trung Tây Nguyên.
"Doanh nghiệp phát triển, người lao động phát triển, dẫn đến mối lao động hài hòa. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thông cảm với nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, phá sản. Lúc này rất cần trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội.
Khi người lao động mắc bệnh nan y vào bệnh viện điều trị, các danh mục thuốc cần không có. Đó là điều bất cập khi người lao động hưởng lợi từ cơ quan bảo hiểm xã hội. Vậy tôi mong muốn có những sửa đổi để không chỉ người lao động mà còn cả người dân cũng được thụ hưởng những chính sách của bảo hiểm xã hội"- bà Nguyễn Ngọc Huyền nói.