Cú sốc ảnh hưởng dịch bệnh
“Đầu tháng 9, chúng tôi - một nhóm khoảng 300 DN, đa số sản xuất công nghệ phụ trợ và các sản phẩm thiên về kỹ thuật đã có cuộc khảo sát để chuẩn bị nhân lực cho tháng 10 thì kết quả nhận được là có khoảng 40% lao động mong muốn trở lại làm việc sau khi mở cửa” - chia sẻ của ông Trần Việt Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhựa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP XNK Nam Thái Sơn tại tọa đàm “Nguồn nhân lực lao động cho TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận sau đại dịch”.
Ông Trần Việt Anh cho biết, hiện nay có thể chia lực lượng lao động thành 4 nhóm: Lực lượng làm trong các DN FDI, nhóm lao động làm trong các khu công nghiệp, nhóm lao động làm việc ngoài khu công nghiệp và lao động tự do. Trong đó, hai nhóm đầu là lực lượng lao động kỹ thuật tương đối ổn định, trong đợt dịch vừa qua không bị ảnh hưởng quá nhiều về thu nhập, tỉ lệ dịch chuyển thấp hơn. Tuy nhiên, cả 4 nhóm này đều tập trung sống ở các xóm trọ, trong thời điểm giãn cách, hầu hết đều ở tại nơi trọ toàn thời gian khiến không gian sống chật hẹp, tạm bợ. Sống trong môi trường như vậy, nhiều NLĐ sẽ muốn về quê, nhất là nhóm lao động tự do (có đến 70-80% là ở các tỉnh, thành).
Sau khi TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam nới lỏng giãn cách, NLĐ hồi hương ngày càng tăng. Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, khi NLĐ di chuyển về địa phương rồi mà không quay trở lại là do họ rất khó khăn và quan trọng nhất là tâm lý họ vừa trải qua cú sốc do tác động của dịch bệnh nên nguồn nhân lực khó dịch chuyển trở lại thị trường lao động. Và như vậy sẽ xảy ra nghịch lý là nơi sẽ thiếu lao động, nơi thừa lao động, Như vậy, sẽ tác động đến các DN, đến nguồn cung lao động và thị trường lao động mất cân đối cục bộ. Vì vậy, cần phải tính toán và đưa ra giải pháp để cân bằng mối cung cầu về lao động này.
Giải pháp
Cũng trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - cho hay, địa bàn TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… vốn thu hút nhiều lao động ngoại tỉnh. Những chính sách an sinh như nhà ở, thiết chế văn hoá, xã hội, nhà mẫu giáo… cho NLĐ ngoại tỉnh chưa được triển khai tốt. Vì vậy, họ vẫn mãi là ngụ cư, đến để kiếm nguồn thu nhập và không xác định ở đây lâu dài. Cho nên, khi dịch bệnh tác động, NLĐ không chịu được phải về quê. Mặc dù, họ chưa thể biết về quê sẽ ra sao, song với họ, trong lúc này về quê vẫn là tốt nhất. Câu chuyện này đang gây khó khăn cho thị trường lao động phía Nam.
Để khắc phục tình trạng trên, ông Huân cho rằng, Nhà nước cần ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân, cùng với đó là có các chính sách an sinh, tài khóa, tín dụng. Các địa phương phải ban hành chính sách dành đất khu công nghiệp xây dựng thiết chế văn hóa xã hội, nhà mẫu giáo, quy hoạch trường học, kết nối giao thông với khu dân cư… để NLĐ ngoại tỉnh yên tâm làm việc.Sau khi thị trường lao động phục hồi thì họ sẽ cân nhắc đi làm lại. Khi đó, vai trò kết nối của các trung tâm dịch vụ việc làm rất quan trọng. Những trung tâm này có chức năng là tư vấn, giới thiệu việc làm cho NLĐ, cung cấp thông tin thị trường lao động miễn phí với mạng lưới rộng khắp, đa dạng.
“Ngoài ra, DN cần công bố kế hoạch sản xuất, có các chính sách thu hút NLĐ phải đưa ra. Những nơi điều kiện làm việc tiền lương thấp rất khó thu hút lao động. Đây cũng là lúc DN nhìn nhận lại mặt bằng tiền lương, các chính sách hỗ trợ để động viên NLĐ quay trở lại cùng DN sản xuất” - ông Huân nhấn mạnh.