“Rốn phèn, rốn lũ” Tân Phước chuyển mình lên nông thôn mới

Thành Nhân |

Với 11/11 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và đảm bảo đủ các chỉ tiêu và tiêu chí. Huyện Tân Phước được công nhận huyện nông thôn mới.

Ngày 27.8, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Tiền Giang và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tiền Giang đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm thành lập huyện Tân Phước (27.8.1994 – 27.8.2024) và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Tân Phước đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024.

Ông Nguyễn Văn Danh - Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang - trao tặng Bức trướng của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền Giang tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tân Phước với dòng chữ “30 năm đoàn kết, xây dựng và phát triển (27-8-1994 - 27-8-2024)“. Ảnh: Thành Nhân
Ông Nguyễn Văn Danh - Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang - trao tặng Bức trướng của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền Giang tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tân Phước với dòng chữ “30 năm đoàn kết, xây dựng và phát triển (27.8.1994 - 27.8.2024)“. Ảnh: Thành Nhân

Năm 1994, huyện Tân Phước được thành lập, đánh dấu bước khởi đầu trên vùng đất được mệnh danh là “rốn lũ, rốn phèn”.

Sau 30 năm thành lập, đến nay, huyện Tân Phước đã có 11/11 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có 3 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Thị trấn Mỹ Phước cũng được công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị.

Đời sống kinh tế của người dân trên địa bàn huyện Tân Phước đã được nâng lên. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2020 - 2023 đạt 6,58%; thu nhập bình quân đầu người đạt 63,6 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, tỉ lệ hộ nghèo thời điểm mới thành lập huyện có đến 45%, nay chỉ còn 1,59% theo chuẩn đa chiều.

Ảnh: Thành Nhân
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Văn Vĩnh – Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - trao Bằng công nhận huyện Tân Phước đạt chuẩn nông thôn mới cho lãnh đạo huyện Tân Phước. Ảnh: Thành Nhân

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Vĩnh – Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, từ vùng đất được mệnh danh là “Vùng đất chết”, “Rốn phèn, rốn lũ” với 54% diện tích tự nhiên bị hoang hóa. Kinh tế đúng nghĩa “thuần nông”, xã hội với 45% hộ nghèo, 5% hộ thường xuyên bị đói, 6,8% dân số không biết chữ, điện thắp sáng chỉ chiếm 27% hộ dân, nước sinh hoạt hợp vệ sinh là vấn đề nan giải, đa số người dân sử dụng nước phèn, lóng tro để ăn, uống, sinh hoạt, 94% là nhà ở bán kiên cố và thô sơ… nay đã thực sự chuyển mình, thức giấc bằng một diện mạo hoàn toàn mới với những kết quả nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội.

Để huyện Tân Phước phát triển trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đề nghị Đảng bộ, chính quyền huyện Tân Phước tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, điện, thủy lợi và các hạ tầng then chốt khác để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân. Khai thác tiềm năng, lợi thế để thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Tiền Giang đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh để tự tin tham gia thị trường, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng chung của tỉnh Tiền Giang nói chung và huyện Tân Phước nói riêng.

Ông Trần Hoàng Phong – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tân Phước (tỉnh Tiền Giang) chia sẻ, xây dựng huyện Tân Phước đạt chuẩn nông thôn mới không phải là đã "về đích" mà là bàn đạp để địa phương tiếp tục xây dựng nông thôn mới ở mức cao hơn. Trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tân Phước tiếp tục đoàn kết đồng lòng, tranh thủ thời cơ, phát huy nội lực, không ngừng đổi mới sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo đúng quy hoạch.

Dịp này, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Văn Vĩnh – Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - trao Bằng công nhận huyện Tân Phước đạt chuẩn nông thôn mới cho lãnh đạo huyện Tân Phước.

Thành Nhân