Phục dựng mô hình "nỏ thần An Dương Vương"

Vũ Long |

Cây nỏ được sáng chế hoạt động giống "nỏ thần An Dương Vương được phục dựng và trưng bày tại hội thảo khoa học của TP Hà Nội.

Phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Theo Bí Thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, ngày 22.2.2022, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, đảm bảo phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỉ trọng, giá trị gia tăng cao; hoạt động có tính chuyên nghiệp, với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có chất lượng, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu...

Nhiều sách quý được trưng bày tại hội thảo. Ảnh: Vũ Long
Các đại biểu quan tâm đến gian hàng sách. Ảnh: Vũ Long

"TP Hà Nội đã tập trung đầu tư cho phát triển văn hóa với mục tiêu là bảo vệ, bảo tồn giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, văn hóa dân tộc; phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, các công trình văn hóa; Hà Nội đã dành nguồn lực đầu tư 3 lĩnh vực: Y tế, giáo dục - đào tạo và văn hoá giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp khoảng 49.200 tỉ đồng" - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Tái dựng thành công nỏ thần chống giặc của thành Cổ Loa

Sáng 21.3.2022, trong khuôn khổ hội thảo khoa học "Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa, xây dựng thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại" - là một trong những hoạt động nhằm phục vụ công tác lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Nghị quyết của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cùng với nhiều gian hàng triển lãm, trưng bày các mặt hàng, tác phẩm đặc trưng của Thủ đô Hà Nội, còn có khu vực trưng bày "nỏ thần" An Dương Vương do kỹ sư Vũ Đình Thanh sáng chế.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội tham quan nỏ  cây nỏ được sáng chế hoạt động giống “nỏ thần An Dương Vương“. Ảnh: Vũ Long
Chủ tịch UBND TP Hà Nội tham quan nỏ cây nỏ được sáng chế hoạt động giống “nỏ thần An Dương Vương“. Ảnh: Vũ Long

Tại hội nghị, "nỏ thần" An Dương Vương đã được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh tham quan và trải nghiệm bắn thử.

Chia sẻ với PV Lao Động, kỹ sư Vũ Đình Thanh - "cha đẻ" của “nỏ thần” An Dương Vương cho biết, nỏ có ống tên như trong lễ hội rước nỏ thần của người dân Cổ Loa xưa, có khả năng bắn đồng loạt các mũi tên đồng Cổ Loa xa đến 1.000 m. Để tái hiện sát với nỏ thần trong truyền thuyết Mị Châu – Trọng Thủy, kỹ sư Thanh đã sử dụng vuốt rùa làm lẫy nỏ.

“Tôi đã tái hiện hình ảnh nỏ thần trùng hợp hoàn toàn với những ghi chép của sử sách xưa về Nỏ thần An Dương Vương. Tuy nhiên, do vuốt rùa có hạn và nhằm bảo vệ loài rùa, tôi chỉ dùng một mô hình nỏ có vuốt rùa, những chiếc còn lại tôi sử dụng lẫy sắt, mức độ chính xác và tác dụng, hiểu quả cũng tương tự.

Đặc điểm đặc biệt của nỏ là bắn bằng ống, mũi tên chỉ bay với vận tốc lớn gấp đôi vận tốc tên nỏ thường khi ở một vị trí đặc biệt duy nhất. Phải biết bí quyết, nguyên lý mới tìm được vị trí này. Đây chính là điều mà Trọng Thủy đứng ngay cạnh nỏ nhưng không phục dựng được nỏ thần và người dân Cổ Loa hàng nghìn năm qua cũng không phục dựng được” – ông Thanh nói.

Hiện tại, “nỏ thần” do kỹ sư Vũ Đình Thanh sáng chế đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng sáng chế độc quyền theo Quyết định số 14517w/QĐ-SHTT ngày 25.8.2022 và có hiệu lực 20 năm kể từ ngày nộp đơn (2.12.2019).

“Phải mất 3 năm với nhiều thuyết trình, dẫn chứng, sản phẩm sáng chế của tôi mới được Bộ KHCT cấp bằng độc quyền sáng chế. Như vậy, tôi đã sáng chế thành công "nỏ thần" An Dương Vương để chứng minh nỏ thần của triều đại Âu Lạc (nước Việt cổ) từ 2.300 năm trước là có thật và thực sự là vũ khí lợi hại để dân tộc ta chiến đấu ngoan cường bảo vệ giang sơn xã tắc” – kỹ sư Vũ Đình Thanh chia sẻ.

Vũ Long