Phát triển mạnh 2 trụ cột kinh tế ở đảo Phú Quý đi đôi bảo vệ môi trường

DUY TUẤN |

Bình Thuận - Huyện đảo Phú Quý cách đất liền 56 hải lý với diện tích tự nhiên 17km2, dân số khoảng 30.000 người. Địa phương này xác định phát triển kinh tế với 2 trụ cột chính là đánh bắt thủy sản, hậu cần nghề cá và thương mại dịch vụ, du lịch. Do đó, quá trình phát triển kinh tế đã chú trọng bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, đồng thời phát triển đảo gắn với nhiệm vụ an ninh, quốc phòng.

Theo UBND huyện Phú Quý, trong năm 2023, sản lượng khai thác hải sản được 31.166 tấn, đạt 103,89% kế hoạch. Thương mại, dịch vụ đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Du khách đi tàu cao tốc ra đảo Phú Quý. Ảnh: Duy Tuấn
Du khách đi tàu cao tốc ra đảo Phú Quý. Ảnh: Duy Tuấn

Đặc biệt, du lịch của huyện phát triển mạnh, trong năm đã thu hút khoảng gần 170.000 lượt du khách đến địa phương tham quan, du lịch. Bên cạnh đó, giao thông vận tải tuyến biển với thêm nhiều nhà tàu cao tốc đưa vào khai thác tuyến Phan Thiết – Phú Quý đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, du khách và vận chuyển hàng hóa.

Một góc đảo Phú Quý có khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền. Ảnh: Duy Tuấn
Một góc đảo Phú Quý có khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền. Ảnh: Duy Tuấn

Mặc dù, đảo Phú Quý ngày càng được nhiều người biết đến nhưng vẫn chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế, hoạt động du lịch còn nhỏ lẻ, mang tính tự phát, sản phẩm chưa phong phú, chưa kích thích được du khách chi tiêu,….

Các bạn trẻ tại đảo và du khách tình nguyện nhặt rác bảo vệ môi trường ở các điểm du lịch tại đảo Phú Quý. Ảnh: Duy Tuấn
Các bạn trẻ tại đảo và du khách tình nguyện nhặt rác bảo vệ môi trường ở các điểm du lịch tại đảo Phú Quý. Ảnh: Duy Tuấn

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quý Lê Quang Vinh đã đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo sớm triển khai đầu tư kè chống xâm thực phía Bắc đảo và hệ thống các hồ chứa nước ngọt để đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt, đồng thời đầu tư hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt để không ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm về lâu dài. Ngoài ra còn đề nghị các sở, ngành hướng dẫn và tháo gỡ một số khó khăn bất cập về du lịch như việc cấp tuyến hoạt động đối với dịch vụ ca nô, thuyền súp,…

Du khách trải nghiệm lặn ngắm san hô và chụp ảnh dưới nước. Ảnh: Duy Tuấn
Du khách trải nghiệm lặn ngắm san hô và chụp ảnh dưới nước. Ảnh: Duy Tuấn

Du lịch tại đảo Phú Quý là lĩnh vực rất nhiều tiềm năng, là thế mạnh nên sẽ tập trung khai thác hiệu quả, đầu tư tôn tạo các danh lam thắng cảnh, bãi biển công cộng để giữ vững nét hoang sơ, thu hút du khách. Cùng với đó, nghiên cứu tạo ra nhiều sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác thế mạnh về thiên nhiên, cảnh quan, văn hóa, con người của huyện đảo,…

Nhiều villa, khách sạn nhìn ra biển được xây dựng ở đảo Phú Quý, đảm bảo cơ sở lưu trú chất lượng đáp ứng nhu cầu của du khách. Ảnh: Cát Phú Quý
Nhiều villa, khách sạn nhìn ra biển được xây dựng ở đảo Phú Quý, đảm bảo cơ sở lưu trú chất lượng đáp ứng nhu cầu của du khách. Ảnh: Cát Phú Quý

Ngoài ra, địa phương cũng cần quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh về giá cả, vệ sinh an toàn thực phẩm, duy trì dọn dẹp vệ sinh thường xuyên; kêu gọi thu hút các doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm để đầu tư phát triển du lịch.

Tàu cá đánh bắt ngoài khơi đảo Phú Quý. Ảnh: Duy Tuấn
Tàu cá đánh bắt ngoài khơi đảo Phú Quý. Ảnh: Duy Tuấn

Đồng thời, tập trung xây dựng phát triển huyện đảo trở thành trung tâm khai thác dịch vụ hậu cần nghề cá. Phối hợp chặt chẽ đơn vị liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vươn khơi bám biển. Từ đó, việc phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế xã hội, gắn liền với đảm bảo quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, cải thiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

DUY TUẤN