Huyện Sơn Tây là một trong những huyện miền núi nghèo nhất nước, với tỉ lệ hộ nghèo chiếm 42,38%, tương đương với 2.472 hộ. Với khí hậu, thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên khá khắc nghiệt, người dân ở huyện chủ yếu trồng cây keo, cau, chăn nuôi bò… Tuy nhiên, đây là những cây trồng, vật nuôi có giá cả bấp bênh.
Vì thế, việc đa dạng hoá nguồn sinh kế cho người dân, bằng việc đưa những cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao về Sơn Tây, từng bước giúp người dân thoát nghèo hướng đi rất cần thiết. Từ thực tế đó, đã tạo động lực thôi thúc huyện quyết tâm đưa cán bộ đi học hỏi kinh nghiệm ở nhiều tỉnh thành trên cả nước để học hỏi kỹ thuật chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi mới, có giá trị kinh tế cao, trong đó có mô hình nuôi cá tầm.
Sau thời gian “tầm sư học đạo”, năm 2014, huyện triển khai mô hình nuôi cá tầm. Mới đầu nuôi thử nghiệm với 500 con trên diện tích khoảng 500m2. Nay đã mở rộng diện tích lên 1.800m2. Mô hình này đã mang lại nguồn thu nhập cao, mở ra cơ hội thoát nghèo cho nhiều người dân. Theo quan sát của phóng viên, nguồn nước nuôi cá tầm được dẫn về từ dòng suối Mang He vốn rất trong lành và được chăm sóc tốt nên cá tầm sinh trưởng và phát triển tốt.
Ông Đinh Sang Sử - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Sơn Tây cho biết, cách đây nửa tháng, HTX đã xuất bán trên 1,3 tấn cá tầm cho Công ty cá tầm Việt Nam. Đây là lần đầu tiên HTX xuất bán với số lượng lớn, với giá 200.000 đồng/kg, thu được lợi nhuận. Đây là dấu hiệu đáng mừng để HTX tiếp tục đầu tư nuôi cá tầm, và đặt niềm tin loài cá này sẽ được nhân rộng, giúp nhiều người dân phát triển kinh tế.
Ở tỉnh Quảng Ngãi, nhắc đến cá tầm, nhiều người nghĩ ngay đến cá tầm Sơn Tây, vì đây là huyện duy nhất ở tỉnh nuôi thành công cá tầm.
Đây là loài cá đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc tương đối cao, người nuôi phải đặt cái tâm của mình vào từng sản phẩm. Không có chuyện “làm chơi ăn thật” như nhiều loại vật nuôi, cây trồng khác.
Ông Đinh Sang Sử cho biết, trong quá trình chăm sóc cá tầm gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng với quyết tâm mở hướng lối phát triển kinh tế mới cho người dân, HTX đã nhờ các chuyên gia tư vấn về cách nuôi, xử lý khi cá gặp bệnh, tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều mô hình nuôi cá tầm ở những địa phương khác trên cả nước nên cũng đã nắm vững được kỹ thuật nuôi và cách xử lý khi cá gặp những bệnh thông thường để cá phát triển ổn định.
Cá tầm ở Sơn Tây qua gần 20 tháng nuôi, bình quân mỗi con có trọng lượng trung bình 2,5kg. Với kinh nghiệm và đã tìm được đầu ra cho sản phẩm cá tầm, HTX dịch vụ nông nghiệp Sơn Tây tiếp tục đầu tư thả nuôi trên 5.000 con cá tầm.
Ông Cao Văn Chung - Chủ tịch UBND xã Sơn Bua (huyện Sơn Tây) chia sẻ, cá tầm rất phù hợp với điều kiện khí hậu ở Sơn Tây. Ông Chung cho rằng dù là loài cá có giá trị kinh tế cao, tuy nhiên đòi hỏi kỹ thuật nuôi, nguồn vốn đầu tư lớn, nhất là nguồn thức ăn hàng ngày cho cá. Vì thế, nếu nhân rộng thì Nhà nước cần đầu tư hỗ trợ vốn, kỹ thuật chăm sóc cho người dân. Còn với khả năng của hộ nghèo thì khó có điều kiện để nuôi cá tầm, phát triển kinh tế.