Nông dân Kiên Giang hướng đến ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ

NGUYÊN ANH |

Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang đề xuất hỗ trợ cư dân nông thôn đổi mới phương thức quản lý, sản xuất, kinh doanh; ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin; xây dựng hệ sinh thái bền vững trong mối liên kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong giai đoạn mới.

Chiều 23.4, Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm sản xuất kinh doanh và ứng dụng khoa học công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp năm 2024”.

Theo ông Đỗ Trần Thịnh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, đã thực sự trở thành tâm điểm của đời sống kinh tế - xã hội ở nông thôn.

Đặc biệt trong 10 năm gần đây, phong trào đã có bước phát triển khá toàn diện, tạo sinh khí mới thúc đẩy hội viên, nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh tế, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội.

Tính đến cuối năm 2023 có hơn 138.000 hộ trên tổng số hơn 220.000 hộ nông nghiệp đăng ký, có gần 78.000 hộ trên tổng hơn 138.000 hộ đăng ký đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Bên cạnh việc nâng cao hiệu quả kinh tế, các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi đã phát huy tốt vai trò trách nhiệm trong tham gia xây dựng nông thôn mới, thực hiện an sinh xã hội bằng nhiều việc làm thiết thực, tham gia giải quyết việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động, giúp đỡ hơn 2.000 hội viên, nông dân thoát nghèo.

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã và đang tạo động lực quan trọng cho phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn.

Đặc biệt là thúc đẩy phát triển các loại hình kinh tế tập thể, tạo nền tảng hình thành các khu sản xuất tập trung, các vùng nguyên liệu, cánh đồng lớn, các chuỗi liên kết sản xuất và phân phối, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản, nâng cao giá trị, chất lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước. Qua đó góp phần cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, khai thác có hiệu quả tiềm lực kinh tế trong từng hộ gia đình.

Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn như nguồn lực hỗ trợ, đầu tư phát triển phong trào còn ít; việc tiếp cận cơ chế chính sách còn khó khăn; nông dân còn e ngại, thiếu tự tin đăng ký thực hiện phong trào; khả năng tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin của đa số nông dân còn hạn chế... Tiêu chuẩn đánh giá, công nhận nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp còn một số bất cập, chưa sát thực tiễn…

Ông Thịnh cho hay, vấn đề đặt ra đối với Hội Nông dân các cấp trong tỉnh là phải chủ động tích cực hơn, đổi mới, sáng tạo, phát huy tốt hơn vai trò của Hội đưa phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi phát triển, đạt chất lượng, hiệu quả và thực chất hơn.

"Quan trọng là hỗ trợ cư dân nông thôn nâng cao nhận thức, phát huy nội lực, đổi mới phương thức quản lý, sản xuất, kinh doanh; ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin; giúp nông dân tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhất là vấn đề về nguồn lực tài chính, năng lực sản xuất, xây dựng hệ sinh thái bền vững trong mối liên kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đề xuất cơ chế chính sách phù hợp với tình hình thực tế và xu thế phát triển kinh tế nông nghiệp trong giai đoạn mới", ông Thịnh nhấn mạnh.

Tại hội thảo lần này, các diễn giả, lãnh đạo các sở, ngành và các đại biểu cũng đã cho ý kiến đánh giá cụ thể, nêu những khuyết điểm, hạn chế và nguyên nhân; đồng thời chia sẻ những cách làm hay, giới thiệu những mô hình hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh và gợi mở thêm những vấn đề mới góp phần nâng cao chất lượng phong trào trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi trong thời gian tới.

NGUYÊN ANH