Nỗi trăn trở về học sinh tại quê hương
Lẽ thường, rất nhiều người sẽ không muốn mình phải làm việc ở những nơi điều kiện khó khăn, gian khổ. Và khi buộc phải làm trong điều kiện như vậy, nhiều người tìm cách rời bỏ. Nhưng ở những ngôi trường của huyện Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh) các giáo viên vẫn đang bám trường, bám bản.
Trong số đó có cô giáo Hoàng Thị Thủy (sinh năm 1991), giáo viên bộ môn tin học Trường Tiểu học Hoành Mô. Vốn sinh ra và lớn lên tại Hoành Mô, huyện Bình Liêu nên hơn ai hết, cô giáo Thủy thấu hiểu những thiệt thòi của trẻ em nơi đây.
Với nỗi trăn trở về việc học sinh tại quê hương, nhất là những học sinh người dân tộc thiểu số đang theo học tại các điểm trường lẻ vùng cao hầu như chưa được tiếp cận với công nghệ thông tin, đã thôi thúc cô Thủy từ bỏ công việc ổn định tại một công ty ở Hà Nội, trở về quê hương học thêm nghiệp vụ sư phạm rồi tham gia thi tuyển viên chức.
Sau đó, cô Thuỷ được giao nhiệm vụ giảng dạy môn Tin học tại Trường Tiểu học Hoành Mô vào đầu năm 2020, mang lại cơ hội học tập tốt hơn cho những đứa trẻ vùng cao.
Đưa công nghệ thông tin đến với học sinh vùng cao
Trở thành thành viên của Trường Tiểu học Hoành Mô (huyện Bình Liêu, Quảng Ninh), cô giáo Thủy nhanh chóng bắt nhịp với công việc và nhận được sự tin tưởng, quý mến của đồng nghiệp cũng như phụ huynh, học sinh.
Năm học 2022 – 2023, khi môn Tin học trở thành môn học bắt buộc với học sinh lớp 3 thì cô giáo Thủy cũng bắt đầu hành trình “gieo” công nghệ thông tin tới những điểm trường vùng sâu, vùng xa thuộc Trường Tiểu học Hoành Mô.
Đặc biệt, để các em đều có cơ hội được thực hành trực tiếp với máy tính, từ đó hành trang mỗi ngày của cô giáo Thủy không chỉ có giáo án mà còn có cả những chiếc máy tính xách tay.
Cô Thuỷ chia sẻ: "Tuỳ vào điểm trường, tôi sẽ mang số lượng máy phù hợp, điểm nhiều học sinh, tôi mang theo nhiều máy, đường đi thuận lợi tôi thường đóng thùng mang theo toàn bộ máy tính, chằng phía sau xe. Còn điểm ít nhất như điểm trường Cao Sơn thì tôi dùng 2 balo để mang theo 3 chiếc máy tính, đủ cho 5 em thực hành cùng nhau".
Nhiều điểm trường lẻ như Cao Sơn, Loòng Vài, Nà Choòng, cô Thuỷ phải mất gần 1 tiếng đồng hồ để di chuyển tới. Nhưng với cô giáo, khó khăn vất vả đổi lại được những kiến thức mới, nụ cười của các em học sinh là động lực để cô đến lớp mỗi ngày.
"Đến giờ tôi vẫn nhớ như in buổi học tin học đầu tiên ở điểm trường Cao Sơn. Từ nhà tôi đến điểm trường này khoảng 10km. Hôm đó, tôi đã phải dậy sớm hơn mọi khi, lần đầu tiên chạy xe máy lên đây, đường vắng, 2 bên là rừng núi, dốc thoải nên tôi cũng khá lo lắng. Đến gần trường tôi sẽ gửi xe ở khu vực dưới và đi bộ qua đường đất lên điểm trường, mất khoảng 15 - 20 phút" - cô Thuỷ vui vẻ kể lại.
Cô Thuỷ cho biết thêm, khi đến được trường, nhìn những khuôn mặt ngây thơ, mặt mũi lấm lem, quần áo cộc, thậm chí còn rách trong lòng cô trào dâng sự thương cảm, mọi vất vả, khó khăn, lo lắng dường như tan biến.
Các em học sinh ở các điểm trường lẻ, không hề có khái niệm về tin học, không biết sẽ học những gì ở môn học này bởi vậy cô Thủy đã dành nhiều thời gian hơn để có giới thiệu nhiều hơn cho các em hiểu.
"Tuy lần đầu được tiếp cận với môn học mới, được sử dụng máy tính, xem những đoạn video, những gợi ý thú vị, tôi cũng dần giúp các em hiểu biết thêm về máy tính nên bạn nào cũng hào hứng" - cô Thuỷ nói.
Cũng từ đó, hình ảnh cô giáo trẻ miệt mài mang theo máy tính để “gieo” công nghệ thông tin tới những điểm trường vùng cao đã trở thành dấu ấn khó quên với những thầy cô ở Trường Tiểu học Hoành Mô và phụ huynh cũng như học sinh nơi đây.