Nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân Bình Thuận đánh bắt trên vùng biển xa

DUY TUẤN |

Bình Thuận - Với ngư trường rộng trên 14.000 km2, tỉnh Bình Thuận có nghề cá trọng điểm đứng thứ 2 cả nước. Thời gian qua, địa phương đã quan tâm triển khai các chính sách hỗ trợ ngư dân hoạt động trên vùng biển xa, kết hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Vùng biển tỉnh Bình Thuận liên thông với vùng Đông Nam Bộ, Đông Trường Sa, có huyện đảo Phú Quý nằm ngoài khơi cách đất liền 56 hải lý, thuộc hệ thống đảo tiền tiêu, có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh, đồng thời tạo điều kiện phát triển kinh tế biển, đặc biệt là phát triển khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá trên vùng biển xa bờ.

Tàu cá neo đậu ở cảng Phú Quý. Ảnh: Duy Tuấn
Tàu cá neo đậu ở cảng Phú Quý. Ảnh: Duy Tuấn

Hiện toàn tỉnh Bình Thuận có hơn 7.800 tàu cá và trên 44.500 ngư dân trực tiếp tham gia khai thác hải sản, với sản lượng khai thác hải sản hàng năm đạt 225.000 - 230.000 tấn. Các tàu hoạt động chủ yếu các nghề chính như lưới kéo, lưới vây, câu, lưới rê, lưới chụp, mành, lặn, dịch vụ thủy sản.

Biên phòng kiểm tra trên tàu cá. Ảnh: Duy Tuấn
Biên phòng kiểm tra trên tàu cá. Ảnh: Duy Tuấn

Trong những năm qua, UBND tỉnh đã quan tâm hỗ trợ ngư dân hoạt động trên vùng biển xa gồm hỗ trợ chi phí nhiên liệu đi và về của chuyến biển; hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm tai nạn thuyền viên; hỗ trợ kinh phí mua máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa có tích hợp,...

Đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ lắp thiết bị giám sát cho 1.745 tàu cá có chiều dài 15 mét trở lên với số tiền là 17,45 tỉ đồng (mức hỗ trợ 10 triệu đồng/thiết bị). Ngoài ra, hiện, UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh hỗ trợ cước phí thuê bao dịch vụ giám sát hành trình tàu cá.

Tàu cá trên vùng biển đảo Phú Quý. Ảnh: Duy Tuấn
Tàu cá trên vùng biển đảo Phú Quý. Ảnh: Duy Tuấn

Nhờ triển khai chính sách hỗ trợ ngư dân hoạt động trên vùng biển xa theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua tỉnh Bình Thuận đã đạt được những kết quả thiết thực, nhất là đã động viên, khuyến khích ngư dân mạnh dạn vươn ra các vùng biển xa để khai thác hải sản và dịch vụ khai thác hải sản. Từ đó nâng cao thu nhập, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; nâng cao trình độ kỹ thuật, kinh nghiệm, tay nghề của ngư dân trong đánh bắt xa bờ.

Ngư dân đến trạm biên phòng làm thủ tục để tàu xuất bến. Ảnh: Duy Tuấn
Ngư dân đến trạm biên phòng làm thủ tục để tàu xuất bến. Ảnh: Duy Tuấn

Đặc biệt gia tăng sự hiện diện của tàu cá và ngư dân của nước ta trên các vùng biển xa, từ đó hạn chế tình trạng tàu cá khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài; góp phần quan trọng vào việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

DUY TUẤN