Nhiệm vụ cần làm để phát triển doanh nghiệp ở Đắk Lắk vào giai đoạn tới

BẢO TRUNG |

Đắk Lắk - Để xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp ở địa phương phát triển, khẳng định vai trò trong tình hình mới, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk vẫn còn khá nhiều việc phải làm từ hoàn thiện cơ chế chính sách tới hỗ trợ đào tạo người lao động.

Tỉnh ủy Đắk Lắk vừa ban hành Chương trình số 46-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới” .

Chương trình đưa ra mục tiêu phát triển đội ngũ doanh nhân tỉnh Đắk Lắk ngày một lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc.

Doanh nhân có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, từng bước xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Đông Thanh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk (Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Ôtô An Phước) chia sẻ: "Nhìn chung các doanh nhân, doanh nghiệp trên địa bàn đã và đang có nhiệt huyết cống hiến để phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tạo công ăn việc làm cho người lao động bản địa. Nhiệt huyết đó hầu hết đều tồn tại trong nội hàm mỗi doanh nhân, doanh nghiệp trong suốt hàng chục năm qua, không thay đổi. Tuy nhiên, cần phải thừa nhận một thực tế rằng, cơ chế chính sách ở tỉnh hiện nay vẫn còn nhiều rào cản để doanh nghiệp phát triển.

Ngoài ra, năng lực còn khá yếu khiến cho nhiều doanh nghiệp ở tỉnh dù có khao khát nhưng vẫn khó tiến bước được xa hơn trong giai đoạn 5 đến 10 năm tới. Nhưng nếu cơ hội được mở ra, có sự chia sẻ, thấu hiểu và đồng hành thì chúng tôi vẫn sẽ cố gắng đáp ứng được những kỳ vọng của chính quyền địa phương".

Theo ông Thanh: "Để xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp trên địa bàn vững mạnh thì đều quan trọng nhất là cơ quan chức năng phải làm sao để việc tiếp cận vốn vay được thuận lợi, giải quyết thủ tục cấp đất đầu tư nhanh gọn, đúng quy định của pháp luật. Tỉnh cần kết nối các trường đào tạo nghề với cộng đồng doanh nghiệp có nhu cầu việc làm để để cải thiện chất lượng, trình độ của người lao động, đáp ứng với tình hình phát triển hiện nay. Bởi việc đào tạo và sử dụng lao động đang có khoảng cách rất lớn, trình độ công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Ngoài ra, tự bản thân chủ doanh nghiệp cũng phải chủ động rèn luyện kỹ năng, nâng cao kiến thức và phải có sự liên kết phối hợp với nhau để cùng vì mục tiêu phát triển, mở rộng".

Được biết, Tỉnh ủy Đắk Lắk đặt mục tiêu đến năm 2030, phát triển đội ngũ doanh nhân tỉnh Đắk Lắk có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt của tỉnh. Một số DN có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp của tỉnh, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn.

Tầm nhìn đến năm 2045, phát triển đội ngũ doanh nhân tỉnh Đắk Lắk có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu phát triển của địa phương và đất nước, thu nhập cao, có vị thế, uy tín trong khu vực và quốc tế. Tỉnh phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp có thương hiệu của Việt Nam, khu vực và thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, giá trị toàn cầu.

BẢO TRUNG