Người Mường ở Kon Tum cúng lúa mới cầu mong một năm mưa thuận gió hòa

THANH TUẤN |

Nhiều năm sống xa quê hương bản quán nhưng người Mường di cư đến mảnh đất Kon Tum ở bắc Tây Nguyên vẫn còn lưu giữ nhiều truyền thống văn hóa bản địa, lễ hội cúng lúa mới đầy bản sắc, cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Những năm gần đây, đời sống vật chất, tinh thần của người Mường ở xã Đăk Kan (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) được nâng cao. Việc tổ chức phục dựng hiệu quả các hoạt động lễ hội góp phần khai thác tiềm năng du lịch, phát triển kinh tế - xã hội.

Hàng năm, người Mường có nguồn gốc tại tỉnh Hòa Bình di cư đến sinh sống, an cư lạc nghiệp tại thôn Hào Phú, xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi vẫn tổ chức lễ hội mừng cơm mới.

Người làng làm mâm cúng mừng lúa mới, mùa màng bội thu. Ảnh: Thanh Tuấn
Người làng làm mâm cúng mừng lúa mới, mùa màng bội thu. Ảnh: Thanh Tuấn

Theo nghệ nhân Đinh Văn Thiệu (56 tuổi, ở thôn Hào Phú), lễ mừng cơm mới của người Mường tổ chức hằng năm với nhiều nghi thức độc đáo và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhằm tạ ơn thần linh, tổ tiên đã phù hộ cho nhân dân có mùa màng tươi tốt và cầu mong cho mùa vụ mới được bội thu.

Con cháu gặt lúa về làm mâm cơm mới, cùng với chút lễ vật mời thần linh và tổ tiên về hưởng lộc, phù hộ cho dân năm mới mùa màng bội thu.

Theo quan niệm của người Mường xưa, sau khi lúa được đưa về nhà, gạo mới nấu thành cơm phải đem cơm đó cúng ông bà tổ tiên trước, sau đó mới được ăn.

Mỗi hộ gia đình tới ruộng nhà mình cắt và tết các ngọn lúa lại thành một bó nhỏ đem về treo ở đầu cột trong nhà, nơi cạnh bàn thờ tổ tiên. Sau phần này, mọi người trong nhà mới được ra đồng gặt lúa.

Cộng đồng người Mường nhảy sạp mừng vui, cầu năm mới yên bình, ấm no. Ảnh: Thanh Tuấn
Cộng đồng người Mường nhảy sạp mừng vui, cầu năm mới yên bình, ấm no. Ảnh: Thanh Tuấn

Trong năm nay, thôn Hào Phú sẽ phục dựng lễ mừng cơm mới gồm 3 phần: Phần 1 là hòa âm cồng chiêng sắc bùa, phần 2 là chày lúa, giã gạo, nấu cơm, cúng lễ và phần cuối là múa xòe, hát ví Mường mừng lúa mới.

Khi mâm cúng đã chuẩn bị xong, các bậc cao niên, người có uy tín trong thôn am hiểu tục lệ sẽ tiến hành làm lễ. Chị Xa Bùi Thị Hoan (46 tuổi, ở thôn Hào Phú) cho biết: “Theo người Mường xưa, tiếng ống chạm sàn đất càng vang, rộn ràng thì năm đó mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu”.

Văn hóa người Mường luôn được giữ gìn và bảo tồn. Ảnh: Thanh Tuấn
Văn hóa người Mường luôn được giữ gìn và bảo tồn. Ảnh: Thanh Tuấn

Sau khi phần lễ cúng kết thúc, người dân bản địa sẽ cùng thể hiện điệu múa xòe, hát ví Mường mừng cơm mới trong sự vui vẻ, hân hoan sau những ngày tháng lao động vất vả và mong chờ một mùa vụ bội thu sắp tới.

Ông Bùi Quang Triệu - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi cho biết: “Việc phục dựng lại các lễ hội góp phần xây dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân tộc Mường, bảo tồn các nét đẹp văn hóa truyền thống, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân Mường nơi đây”.

THANH TUẤN