Từ sáng sớm, bà Nguyễn Thị An (62 tuổi, quận Gò Vấp) đã đến Trạm Y tế phường 8, quận Gò Vấp, TPHCM để tái khám và nhận thuốc định kỳ.
Bà An được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh cao huyết áp. Để giữ huyết áp ổn định, bà phải uống thuốc mỗi ngày. Khi hết thuốc cũng vừa đến lịch tái khám, từ nhà qua Trạm Y tế phường 8 khoảng 5 phút đi xe, bà tự đi không cần đến người thân đưa đón.
“Trước kia, tôi thường khám ở Bệnh viện quận Gò Vấp, cách nhà cũng 3km. Nay bác sĩ bảo dưới trạm y tế gần nhà cũng có bác sĩ khám, cấp thuốc những bệnh này, từ đó tôi đi khám ở trạm y tế, gần nhà nên nhanh hơn” - bà An chia sẻ.
Trung bình mỗi ngày, Trạm Y tế phường 8 tiếp nhận khoảng hơn 10 trường hợp người dân đến khám sức khoẻ, chủ yếu là các bệnh lý không lây như huyết áp, đái tháo đường, vật lý trị liệu…
Bác sĩ Hoàng Hà - Trưởng Trạm Y tế phường 8, quận Gò Vấp - cho biết, trạm cũng được Sở Y tế TP tạo điều kiện cho khám bệnh, chữa bệnh, có 2 bác sĩ, 2 điều dưỡng để phục vụ người dân. Bác sĩ thường sẽ phát thuốc sau khám và chủ động kết nối người dân khi đến lịch tái khám.
Theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, lâu nay, việc triển khai khám, điều trị ban đầu tại tuyến y tế cơ sở còn gặp nhiều rào cản, thách thức như: bài toán nguồn nhân lực, các quy định về danh mục kỹ thuật, danh mục thuốc cho trạm y tế, quy định về giá dịch vụ khám chữa bệnh tại trạm, khám điều trị bệnh tại nhà, các quy định phân tuyến khám chữa bệnh BHYT...
Để vượt qua những thách thức này, bước đột phá cần tập trung là đảm bảo nguồn nhân lực và năng lực cho y tế cơ sở. Một giải pháp hứa hẹn là triển khai mở rộng hoạt động khám chữa bệnh BHYT ở trạm y tế với các bệnh không lây phổ biến (như tăng huyết áp, đái tháo đường), tư vấn dinh dưỡng và vận động thể lực (trong hỗ trợ điều trị bệnh mạn tính), phục hồi chức năng kết hợp y học cổ truyền.
"Mô hình hoạt động này được kỳ vọng sẽ giúp trạm y tế thu hút được người bệnh, tạo luồng sinh khí mới cho tuyến cơ sở sau khi giải quyết bài toán giữa "con gà và quả trứng" (không có bác sĩ nên không có bệnh nhân đến, không có bệnh nhân thì không thu hút bác sĩ đến công tác; không có khám BHYT thì không có bệnh nhân, không có bệnh nhân đến thì trạm y tế không thể đăng ký khám chữa bệnh BHYT…)", bác sĩ Châu cho hay.