Sáng cùng ngày, 150 đại biểu là người có uy tín tiêu biểu đại diện cho 1.462 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh đã tham gia hội nghị tôn vinh do Ban Dân tộc tỉnh tổ chức.
Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số có vai trò như cầu nối giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở với người dân; có mối liên hệ chặt chẽ, gắn bó với đồng bào dân tộc, hiểu biết về văn hóa truyền thống, giữ gìn và phát huy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc và khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, tỉ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 94,88%. Những người uy tín là “cánh tay nối dài” giúp cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua; giữ gìn an ninh trật tự, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc; phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc...
Những năm qua, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh đạt được thành tựu đáng kể theo hướng bền vững, gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội.
Năm 2022, tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) của Cao Bằng tăng 5,04%; GRDP bình quân đạt 40,2 triệu đồng/người; giá trị sản phẩm trồng trọt, nuôi trồng thủy sản trên một đơn vị diện tích (ha) đạt 44 triệu đồng; giảm tỉ lệ hộ nghèo 4,13%, đạt 103% theo kế hoạch đề ra; số xã đạt từ 17 - 18 tiêu chí nông thôn mới tăng 5 xã, đạt 100% kế hoạch; số hộ đưa gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở đạt 100% kế hoạch...