Nghệ An đề xuất hỗ trợ học sinh dân tộc bán trú mua đồ dùng học tập

QUANG ĐẠI |

Ngành giáo dục Nghệ An đề xuất chính sách hỗ trợ học sinh các trường dân tộc bán trú để mua đồ dùng học tập, chi trả tiền điện, nước.

Đề xuất nhiều cơ chế hỗ trợ nhà trường, học sinh

Ngày 24.2, trao đổi với phóng viên, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cho biết đang triển khai lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân góp ý vào dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ cho học sinh học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có tổ chức ăn, ở tập trung cho học sinh bán trú ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Mỗi cấp học, học sinh được cấp một lần bằng hiện vật: Chăn, màn và các đồ dùng cá nhân khác với mức kinh phí là 864.000 đồng/học sinh. Mỗi năm học, học sinh được cấp 2 bộ quần áo đồng phục và học phẩm gồm: Vở, giấy, bút và các dụng cụ học tập khác với mức kinh phí là 864.000 đồng/học sinh/năm học.

Giáo viên và học sinh huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An) trong giờ lên lớp. Ảnh: Hữu Vi
Giáo viên và học sinh huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An) trong giờ lên lớp. Ảnh: Hữu Vi

Hỗ trợ kinh phí cho Trường phổ thông dân tộc bán trú; trường phổ thông có tổ chức ăn, ở tập trung cho học sinh bán trú, định mức: tối đa không quá 6 tiết/lớp/tuần, không quá 35 tuần/năm học, mức hỗ trợ: 180.000 đồng/tiết. Hỗ trợ kinh phí để mua sắm bổ sung, sửa chữa dụng cụ nhà ăn, nhà bếp với định mức: 144.000 đồng/học sinh/năm học.

Hỗ trợ kinh phí mua sách giáo khoa để cho mỗi học sinh được mượn một bộ sách giáo khoa theo lớp học. Hằng năm, trường được hỗ trợ 200.000 đồng/học sinh/năm học để mua bổ sung 10% tổng số sách giáo khoa tại thư viện của nhà trường. Hỗ trợ kinh phí làm thẻ học sinh và phù hiệu cá nhân, công tác tuyển sinh đầu cấp, thi cuối khóa với định mức: 144.000 đồng/học sinh/năm học.

Hỗ trợ tiền điện, nước phục vụ học tập và sinh hoạt của học sinh bán trú với mức 15KW điện/tháng/học sinh và 3m3 nước/tháng/học sinh theo giá quy định tại địa phương và được hưởng 9 tháng/năm học…

Theo dự thảo Nghị quyết, học sinh được hưởng chính sách phải đảm bảo một trong các điều kiện như: Học sinh tiểu học và học sinh trung học cơ sở mà bản thân và bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ thường trú tại xã, thôn đặc biệt khó khăn đang học tại trường phổ thông thuộc xã khu vực III, khu vực II, khu vực I, xã có thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhà ở xa trường từ 4 km trở lên đối với học sinh tiểu học và từ 7 km trở lên đối với học sinh trung học cơ sở hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn (phải qua hồ, sông, suối; qua đèo, núi cao; qua vùng sạt lở đất, đá)…

Chính sách nhân văn

Theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An, trên địa bàn toàn tỉnh sẽ có 53 trường thuộc các huyện: Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Con Cuông, Tương Dương và Kỳ Sơn được hưởng chính sách hỗ trợ này.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Nghệ An có 655 trường với 9.836 lớp và 302.962 học sinh, trong đó hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú có 143 trường với 2.434 lớp và 75.229 học sinh; có 25.425 học sinh được hưởng các chế độ chính sách theo Nghị định 116/2016, 15.124 học sinh được ăn, ở tập trung tại trường.

Về kinh phí thực hiện, năm 2024 (4 tháng, từ tháng 9-12), dự kiến 24 trường triển khai thực hiện, nhu cầu kinh phí: 13,031 tỉ đồng; Năm 2025, dự kiến 34 trường triển khai thực hiện, nhu cầu kinh phí 33,377 tỉ đồng.

Năm 2026, dự kiến 43 trường triển khai thực hiện, nhu cầu kinh phí 42,205 tỉ đồng; Năm 2027, dự kiến 50 trường triển khai thực hiện, nhu cầu kinh phí 50,169 tỉ đồng; Năm 2028, dự kiến 53 trường triển khai thực hiện, nhu cầu kinh phí 55,510 tỉ đồng; Năm 2029 trở đi, dự kiến 53 trường triển khai thực hiện, nhu cầu kinh phí 57,085 tỉ đồng.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An, chính sách nói trên tạo điều kiện cho học sinh có cơ hội đến trường, giảm áp lực kinh tế cho gia đình người học; giảm tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng do kinh tế gia đình khó khăn, tăng tỉ lệ huy động học sinh tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, góp phần phát triển giáo dục phổ thông đồng đều giữa các vùng, duy trì vững chắc và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

QUANG ĐẠI